TS. Ngô Xuân Điêp
Trưởng Khoa Tâm lý học, ĐHKHXH&NV TP. HCM
Cố vấn chuyên môn Trung tâm Tường Minh
PHẢN XẠ KHÔNG ĐIỀU KIỆN
Là một loại phản xạ tự nhiên của sinh vật trong vũ trụ.
Là một loại phản xạ mang tính tất yếu.
Vd1: Một vật đang bay về phía chúng ta, phản xạ tất yếu là né tránh.
Vd2: Ngửi thức ăn thơm, con chó sẽ xuất hiện cảm giác thèm ăn và tiết nước bọt.

PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN
Là loại phản xạ có thể học được trong cuộc sống.
Là loại phản xạ được hình thành, mất đi thông qua tập luyện, củng cố hay không củng cố.
Vd: Trẻ thích ăn kẹo, khi cho trẻ ăn kẹo kết hợp cùng với dạy học, và mỗi khi cho trẻ học trẻ lại nghĩ được ăn kẹo, nên trẻ sẽ thích học.
ĐIỀU KIỆN HÓA CỔ ĐIỂN
S – R

S: Kích thích (stimulus)
R: Phản ứng (response)
Bất cứ phản ứng nào cũng có nguồn gốc từ kích thích nhất định.
ĐIỀU KIỆN HÓA TẠO TÁC
Ở phản xạ có điều kiện tạo tác, chủ thể chủ động tạo ra các phản ứng. Hành vi tạo tác đặc trưng cho việc học tập.
Xác suất xuất hiện, tần số và cường độ của phản ứng tạo tác hoàn toàn tuỳ thuộc vào củng cố và cách củng cố.
Có thể phân loại các hình thức củng cố khác nhau thành hai loại: tích cực và tiêu cực. Cả củng cố tích cực và củng cố tiêu cực đều nhằm tăng cường hành vi mong muốn.
LUẬT LUYỆN TẬP VÀ LUẬT HIỆU QUẢ
— “Luật luyện tập” và “Luật hiệu quả”. Luật luyện tập gồm hai phần: luật sử dụng và luật không sử dụng.
— Luật sử dụng nói lên sự liên tưởng càng được thực hành, nó càng trở nên mạnh hơn.
— Luật không sử dụng cho rằng liên tưởng càng không được sử dụng lâu bao nhiêu, nó càng trở nên yếu đi bấy nhiêu.
— Luật hiệu quả nói rằng nếu một liên tưởng kéo theo sau một “tình trạng thỏa mãn” nó sẽ trở nên mạnh hơn và nếu theo sau “tình trạng khó chịu” sẽ trở nên yếu đi.
ỨNG DỤNG HÀNH VI VÀO TRỊ LIỆU CHO TRẺ TỰ KỶ
Hành vi con người có được bởi sự tương tác giữa con người với môi trường.
Hành vi của con người được quy định bởi những gì xảy ra trước đó và hậu quả của nó.
Hành vi sẽ được duy trì lâu hơn khi nhận được sự củng cố và trái lại hành vi sẽ mất đi hoặc không bền vững khi không nhận được sự củng cố.
Trị liệu hành vi có mục đích dạy và gia tăng những hành vi tích cực có mục đích.
Và giảm hoặc loại trừ những hành vi không thích hợp hoặc không thích ứng
TRỊ LIỆU HÀNH VI CHIA LÀM BA LOẠI
Can thiệp điều xảy ra trước đó nghĩa là cung cấp sự kiện để cho hành vi mục tiêu có thể xảy ra.
Can thiệp hậu quả nghĩa là cung cấp những sự kiện xảy ra sau hành vi.
Can thiệp quá trình phát triển kỹ năng hay còn gọi là những kỹ thuật về hành vi là những gì được thiết kế để:
— Dạy những kỹ năng mới, hành vi thích ứng hoặc hành vi thay thế.
— Giảm sự thường xuyên của hành vi không mong muốn.
NHỮNG NGUYÊN TẮC CAN THIỆP HÀNH VI
Nguyên tắc một: Hậu quả của hành vi sẽ điều chỉnh hành vi đó. Hậu quả là sự kiện theo sau một hành vi. Hậu quả trẻ mong muốn hoặc được trẻ yêu thích thì hành vi sẽ được lặp lại. Hậu quả trẻ không mong muốn hoặc không thích thì hành vi sẽ không lặp lại.

Nguyên tắc hai: Hành vi được tăng cường bởi sự củng cố sẽ tiếp tục được xảy ra.
Nguyên tắc ba: Ưu tiên sử dụng củng cố tích cực.
Nguyên tắc bốn: Hình phạt sẽ làm giảm hành vi. (đây là biện pháp cuối cùng được sử dụng khi củng cố tích cực lẫn tiêu cực không có tác dụng).
Nguyên tắc năm: Sự “dập tắt” làm suy yếu hành vi bằng cách từ chối những gì củng cố trước đó.
Nguyên tắc sáu: Số lần củng cố giảm dần và dẫn tới không còn củng cố.
NHỮNG NGUYÊN TẮC CAN THIỆP HÀNH VI
— Củng cố
— Củng cố tích cực: thực hiện một hành vi để được điều gì đó.
— Củng cố tiêu cực: thực hiện hành vi để trốn một điều gì hay tránh một tình huống nào đó.
— Không củng cố.
GIẢM BỚT CÁC HÀNH VI KHÔNG MONG MUỐN
— Tìm ra các nguyên nhân dẫn đến những hành vi không mong muốn: Có thể xếp các nguyên nhân dẫn đến các hành vi không mong muốn thành ba dạng sau:
— Trẻ muốn được củng cố tích cực: muốn được hậu quả gì đó.
— Trẻ muốn được củng cố tiêu cực: muốn trốn cái gì hoặc muốn tránh một tình huống nào đó.
— Trẻ muốn được kích thích giác quan: kích thích vị giác, thị giác, thính giác, khứu giác và xúc giác.
CÁC CHIẾN LƯỢC CAN THIỆP HÀNH VI KHÔNG MONG MUỐN
Nhân quả (các hậu quả mang tính tự nhiên và hợp logic): Dùng trong những tình huống có sự hợp lý giữa các hành vi của trẻ gây nên với hậu quả của trẻ phải chịu. Cách này giúp trẻ có ý thức trách nhiệm hành vi của mình.
Dập tắt: Đơn giản là giáo viên không củng cố một hành vi nào đó kết hợp với sự củng cố tích cực đối với hành vi mong muốn. Giáo viên sẽ không để ý đến hành vi gây chú ý của trẻ. Trong một số tình huống, các học sinh trong lớp sẽ cùng tham gia can thiệp.
Phạt: Là sự lựa chọn cuối cùng liên quan đến việc đưa ra một điều không dễ chịu hoặc lấy đi một điều gì đó được ưa thích như là hậu quả của một hành vi không thích hợp.
Khiển trách: Dùng lời để chê trách, đứng gần nhìn vào trẻ và nói bằng thái độ bình tĩnh. Giúp trẻ hiểu bạn khiển trách hành vi trẻ chứ không phải con người trẻ.
Cách ly: Là trẻ không được tham gia vào hoạt động nào đó mà trẻ thường hay nhận được sự củng cố tích cực, nghĩa là khi bị phạt bằng cách ly.
CÁC YÊU CẦU THỰC HIỆN CAN THIỆP ABA
Quan sát: Để làm việc được với trẻ, người trị liệu phải biết quan sát và phát hiện những gì trẻ quan tâm, biết trẻ thích gì và không thích gì. Thông qua quan sát, người trị liệu có thể biết được trẻ đang thích hoạt động nào, thích đồ vật nào để phát huy và trẻ sợ những hoạt động và sự vật cụ thể nào để tránh. Nghĩa là phương pháp ABA là phương pháp làm việc với trẻ trước hết phải thông qua sự quan sát hay dạy học dựa trên nhu cầu và sở thích của trẻ.
Tu duy: bất cứ sự quan sát nào trên trẻ cũng được phân tích, so sánh, tổng hợp hóa, khái quát hóa sao cho nội dung chương trình học của trẻ được tiến triển một cách hợp lý: hoạt động dạy, đồ dùng dạy và phần thưởng trong khi dạy. Đồng thời trong khi dạy, phương pháp ABA cũng đòi hỏi sự sáng tạo của người thực hiện.
Nhất quán: sự nhất quán là một nguyên tắc rất quan trọng, vì khi trị liệu cho trẻ tự kỷ quá trình trị liệu phải hết sức rõ ràng. Một sự tác động dạy học nào đó bao giờ cũng sẽ xuất hiện một kết quả hiểu biết nhất định, sự nhất quán thể hiện rõ trong việc xây dựng nội dung học và những hành vi cụ thể cần phải xảy ra theo mục đích bất kể tính khí, tính cách, tình trạng sức khỏe của trẻ hay sự khoan dung của nhà trị liệu. Vì, chính sự nhất quán làm cho các biến cố xảy ra có ý nghĩa.
Kiên nhẫn: Bất cứ công việc trị liệu nào cũng cần có sự kiên nhẫn, tuy nhiên trong phương pháp ABA lại đặc biệt cần đến sự kiên nhẫn này.
Củng cố (khích lệ): xuất phát từ quan điểm, bất cứ hoạt động nào của con người cũng đều xuất phát từ mục đích nhất định. Trên cơ sở đó, phương pháp ABA chủ trương sử dụng sự củng cố (vật chất, hoạt động, lời khen) để khuyến khích trẻ thực hiện bài tập.
NHỮNG YÊU CẦU CHUNG
— Người chăm sóc ghi ra hai danh sách, một là những gì trẻ đã biết làm và hai là những gì trẻ thích. Trong quá trình dạy học, trên cơ sở những gì trẻ thích, khuyến khích trẻ thực hiện những gì trẻ đã biết làm. Những gì trẻ thích chính là các phần thưởng củng cố sự hoạt động của trẻ.

— Phân tích một sự vật: Bất cứ một sự vật nào khi được sử dụng để dạy trẻ, nên được phân tích ra thành các khía cạnh sau:
— Danh từ, trả lời cho câu hỏi “Cái này là cái gì?”
— Động từ, trả lời cho câu hỏi “Cái này để làm gì?”
— Tính từ, trả lời cho các câu hỏi “Cái này màu gì?, nó to hay nhỏ, nặng hay nhẹ, dài hay ngắn, hình dáng, chất liệu. ,,,”
— Mối quan hệ của đồ vật, trả lời cho câu hỏi “nó thường được kết hợp với đồ vật nào” (vd: quần-áo, bút-vở, bàn-ghế, …)
— Chủng loại, trả lời cho câu hỏi “nó thuộc nhóm đồ vật nào” (vd: đồ dùng học tập, phương tiện giao thông, thức ăn, …)
— Chơi tưởng tượng, trả lời cho câu hỏi “nó gần giống với cái gì”, (cái bút có thể làm khẩu súng, cái ghế làm con ngựa, quyển sách làm cái quạt,…)
o Phương pháp học không lỗi:
— Trẻ có khả năng học được nội dung định dạy
— Giúp trẻ 100% nếu trẻ chưa làm quen với nội dung học.
— Cô giáo sẽ làm mẫu và đưa ra hướng dẫn ngay sau khi đưa ra yêu cầu hoặc câu hỏi (không được chậm trễ một giây nào) rồi thưởng cho trẻ. Sau đó tiếp tục hỏi, nếu trẻ trả lời sai hoặc không chú ý trả lời, cô giáo sẽ lập tức hướng dẫn trả lời và khen thưởng.
— Ghi lại tất cả các chương trình, nội dung đã dạy cho trẻ.
— Trước khi vào buổi học phải giới thiệu trẻ và giáo viên, giới thiệu chương trình học, thời gian học ngay cả khi trẻ không hiểu.
— Trẻ không nói ,không nghe, không quan hệ giao tiếp – làm ngược lại.
— Thẻ hình học, thẻ chữ, thẻ từ, thẻ số, thẻ màu, thẻ chấm, thẻ số la mã, thẻ hình đồ vật.
— Dụng cụ dạy: vật thật, vật mẫu, hình ảnh, biểu tượng, đồ vật, ngôn ngữ.
— Đa dạng hóa chương trình học: Chương trình nên kết hợp nhiều chủ đề khác nhau trong cùng bài học, nội dung bài học phải phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại.
— Cùng một nội dung, mục tiêu dạy có thể được thay đổi theo khả năng của trẻ: Trẻ nào có khả năng trí tuệ tốt hơn, yêu cầu sẽ cao hơn và trẻ nào có trí tuệ kém hơn thì yêu cầu sẽ thấp hơn.
— Phân tích hoạt động: Muốn thực hiện trọn vẹn một hoạt động, nên chia nhỏ hoạt động thành nhiều thành phần khác nhau. Mỗi hoạt động cụ thể sẽ có cách chia cụ thể phù hợp với nội dung hoạt động và khả năng của trẻ (vd: hoạt động viết chữ).
— Các nội dung dạy kế tiếp nhau liên tục theo chuỗi liên hoàn. Khoảng thời gian kế tiếp nhau trong từng thao tác dạy, trong từng nội dung dạy cũng như toàn bộ bài học phải được lên kế hoạch và quản lý chặt chẽ từng giây, từng phút.
— Về mặt ngôn ngữ phương pháp ABA có những quy định như: Không được dỗ dành khi dạy trẻ. Ngôn ngữ sử dụng trong khi dạy phải to, rõ và nhanh. Sử dụng câu mệnh lệnh ngắn gọn, rõ ràng, đủ nghĩa. Trong lúc dạy phải đổi giọng lên xuống, tránh đều đều gây tẻ nhạt. Giọng nói thể hiện sự nhiệt tình. Không nên sử dụng câu cảm thán trong khi dạy trẻ.
— Giao tiếp thông qua con đường những gì trẻ thích.
— Phần thưởng chỉ được trao khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ. Vì phần thưởng có chức năng củng cố hành vi. Do đó, nếu chúng ta thưởng trẻ trong khi trẻ chưa thực hiện được yêu cầu thì phần thưởng sẽ có chức năng củng cố âm tính, duy trì việc không hoàn thành nhiệm vụ ở trẻ. Trái lại, phần thưởng được trao khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ, phần thưởng đó sẽ tiếp tục củng cố dương tính, gia tăng hành vi tích cực.
— Điều kiện hóa hành vi (tạo chướng ngại vật cho trẻ vượt qua). Thông thường trẻ bình thường sẽ có 4000 yêu cầu mỗi ngày, TTK thì không. Vì vậy tạo chướng ngại vật là tăng yêu cầu cho trẻ. Chướng ngại vật tăng thì nhu cầu tăng.
— Dừng chương trình học trước khi trẻ muốn dừng. Để tạo sự hứng thú cho các buổi học tiếp theo của trẻ, người hướng dẫn phải nhạy cảm kết thúc chương trình học trước khi trẻ khó chịu, bực bội.
— Phòng học phải sáng, thoáng mát, yên tĩnh. Trẻ phải có cảm giác thoải mái về môi trường xung quanh.
— Kết hợp dạy ở mọi vị trí khác nhau. Thể hiện sự đa dạng về không gian và hoàn cảnh dạy, sao cho trẻ thích thú với học tập.
— Trong khi dạy học, sau khi hướng dẫn khoảng 3 giây, nếu trẻ chưa đáp ứng phải nhắc ngay và chuyển sang tiết mục dễ hơn.
— Khi trẻ làm đúng, người dạy phải xác nhận ngay: giỏi quá, đúng rồi, hay quá, vỗ tay,… Đây là những xác nhận đúng, được mong đợi và có chức năng khích lệ tức thời mang ý nghĩa tinh thần nhằm củng cố hành vi tích cực.
— Khi bé trả lời sai, người dạy hãy cho bé phương án đúng tức thời: không nên nói không đúng, sai rồi, … Cho bé phương án đúng ngay sau khi trẻ có hành động sai sẽ giúp trẻ hiểu đó là hành vi không phù hợp và không được mong đợi từ người hướng dẫn.
— Phòng học giảm thiểu những đồ vật gây sao nhãng. Phòng học không nên trưng bày tất cả những đồ chơi cũng như những giáo cụ dạy học, đăc biệt là những đồ trẻ thích.
— Không yêu cầu trẻ làm mãi một việc trẻ đã thực hiện tốt. Vì, nếu yêu cầu trẻ làm mãi như vậy sẽ gây ra sự nhàm chán, mất hứng thú học tập.
— Nội dung bài học mới phải có tính kế thừa trên cơ sở bài học cũ 40/60 hay 30/ 70.
— Không được kéo dài bài học hơn thường ngày khi nhận thấy trẻ hợp tác tốt.
— Không được yêu cầu trẻ biểu diễn khi trẻ hoàn thành một nội dung học.
— Bằng mọi hình thức lôi cuốn sự tập trung chú ý của trẻ.
— Ghi nhận những khác thường của trẻ để biết cách điều chỉnh.
— Kiên trì trong dạy học, tránh nôn nóng.
— Khi trẻ quấy khóc hoặc không hợp tác, đánh lạc hướng bằng một câu hỏi dễ.
— Thời khóa biểu học được cố định theo kế hoạch, vẫn học ngay cả khi trẻ bị ốm nhẹ.
NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦNG CỐ TRONG TRỊ LIỆU HÀNH VI
— Củng cố được xem là cách thức có thể làm thay đổi hành vi con người. Tiêu chuẩn này được áp dụng thường xuyên trong hoạt động sống hằng ngày và cả trong dạy học. Dưới đây là một số nguyên tắc được xem là thiết yếu đưa vào trong ứng dụng phân tích hành vi.
— Sử dụng nhiều hình thức khích lệ khác nhau: Đó là một trong những kỹ năng quan trọng và có hiệu quả được sử dụng đối với trẻ tự kỷ. Hãy để dành những phần thưởng tốt, hiệu quả nhất cho những hành vi tốt, tích cực nhất của trẻ.
— Phần thưởng cần được sử dụng đúng lúc: Phần thưởng chỉ sử dụng khi trẻ đã thực hiện đúng hành vi yêu cầu. Nếu phần thưởng trao cho trẻ sớm hoặc muộn quá sẽ không phát huy hết tính hiệu quả. Vì vậy, phần thưởng phải được đưa ra một cách tự nhiên và thích hợp.
— Phần thưởng phải phong phú: Sử dụng nhiều loại phần thưởng khác nhau sẽ làm cho trẻ không bị nhàm chán và phần thưởng vẫn còn ý nghĩa trong những lần sau. Thay đổi luân phiên giữa các phần thưởng, đồng thời không bao giờ thưởng cho trẻ khi không thực sự cần thiết.
— Phần thưởng vật chất phải đi đôi với phần thưởng tinh thần: Nếu trẻ không thích hình thức khích lệ bằng tinh thần như khen ngợi, mỉm cười… hãy kết hợp chúng với phần thưởng vật chất như ăn, uống, đồ chơi… Ngày càng phát huy dần hình thức khích lệ tinh thần và giảm dần hình thức khích lệ bằng vật chất.
— Không sử dụng phần thưởng như hình thức mua chuộc, không cho trẻ biết trước về phần thưởng mà chúng sẽ được nhận. Mua chuộc chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian ngắn, lúc đầu trẻ thường vâng lời ngay trước sự hấp dẫn của món quà. Đây là một phương pháp ngắn hạn có thể mang lại hiệu quả tức thì, tuy nhiên nó mang đến nhiều hậu quả tiêu cực sau này. Cả bạn và trẻ trở nên lệ thuộc vào món quà, bạn phải thường xuyên nhắc trẻ về món quà mà chúng sẽ được nhận, sự mặc cả vô hình dung được hình thành, trẻ sẽ cân nhắc xem liệu món quà có đáng để chúng phải làm theo yêu cầu của bạn hay không. Tốt hơn hết là bạn chỉ thưởng quà sau khi trẻ đã thực hiện hành vi tích cực khiến trẻ không đoán trước được điều gì sẽ xảy ra sau khi đã làm theo yêu cầu, từ đó bạn có thể dễ dàng giảm dần số lần thưởng.
— Chuẩn bị giáo án, phần thưởng và tập dượt nội dung dạy trước khi thực hành.
— Khi trẻ đáp ứng sai, ngay tức khắc đưa ra ứng xử đúng.
— Xen kẽ giữa những nội dung dạy theo xu hướng Dễ-Khó-Dễ-Khó.
— Bắt buộc phải đánh giá, ghi chép lại nội dung dạy học, ngày dạy và các phản ứng của trẻ.
— Sử dụng phần thưởng phù hợp với lứa tuổi: Ở mỗi lứa tuổi khác nhau trẻ sẽ có những sở thích khác nhau. Vì vậy, phần thưởng phù hợp khiến trẻ chú ý hơn. Hơn nữa, sử dụng phần thưởng phù hợp với lứa tuổi cũng giúp trẻ thích nghi dần với điều kiện sống xung quanh.
— Phần thưởng phải luôn đổi mới và tạo sự bất ngờ: Như chúng ta đã biết, sự đổi mới luôn đem lại niềm hứng thú bất ngờ. bằng cách thay đổi đồ vật và các hình thức trò chơi chúng ta đã tạo thêm một phần thưởng mới lạ cho trẻ.
— Số lần thưởng phải đều đặn và kiên trì: Trẻ sẽ hành động theo yêu cầu vì đoán biết được phần thưởng chúng sẽ được nhận. Nếu trẻ không nhận được phần thưởng sau khi hoàn thành một yêu cầu thì điều này sẽ không tạo ra hứng thú trong những lần tiếp theo, hoặc tệ hại hơn là chúng không làm gì nhưng vẫn nhận được phần thưởng, thì trẻ sẽ không bao giờ tiến bộ.
— Phần thưởng phải được trao ngay sau khi trẻ hoàn thành một yêu cầu: Chúng ta nên trao phần thưởng tức thì, vì nếu bạn trao phần thưởng quá chậm sau hành vi của trẻ, trẻ có thể quên mất hành vi chúng vừa thực hiện và không nhớ hành vi nào nên được lặp lại. Tuy nhiên, tùy theo mức độ tiến bộ của trẻ mà kéo dài thời hạn trao phần thưởng để trẻ thích nghi dần.
— Phần thưởng luôn có tính khích lệ: Cần xác định phần thưởng định đưa ra có thực sự là cái trẻ cần hoặc trẻ thích hay không. Trẻ có hứng thú khi nhận phần thưởng đó hay không? Trẻ có cố gắng để đạt được nó hay không?
— Cần thường xuyên theo dõi tính hiệu quả của phần thưởng, vì tác dụng khích lệ của nó thường rất ngắn. vì vậy cần phải linh hoạt thay đổi ngay phương thức hoặc phần thưởng khác mà trẻ ưa thích hơn.
— Phần thưởng ngày càng thực tế và tự nhiên: Mục tiêu của chương trình ABA là hướng trẻ hòa nhập vào môi trường tự nhiên, vì vậy không chỉ có các hoạt động mà cả phần thưởng cho trẻ cũng hướng tới tính thực tế, tự nhiên. Nếu không, khi trẻ bị đặt vào môi trường tự nhiên, không có phần thưởng, trẻ sẽ không vâng lời nữa và còn có khuynh hướng trở về với những hành vi tiêu cực như trước.
— Phần thưởng phải được giảm dần: Nếu thời gian sử dụng phần thưởng càng kéo dài thì càng khó cắt bớt và trẻ có khuynh hướng lệ thuộc vào phần thưởng, trẻ không còn vâng lời khi không có phần thưởng. Số lần thưởng được giảm dần đồng thời với việc chỉ áp dụng những phần thưởng hiệu quả.
— Khích lệ bằng ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ: Bạn có thể dùng hình thức khích lệ bằng lời hoặc bằng thái độ như: khen ngợi, mỉm cười, gật đầu, ra hiệu… Cố gắng tìm ra nhiều cách khích lệ trẻ trước khi cho trẻ phần thưởng.
— Luôn tìm tòi hình thức khích lệ mới: Chúng ta thường xuyên quan sát những hoạt động của trẻ nhằm phát hiện ra những đồ vật hoặc những hoạt động mà trẻ quan tâm. Mỗi ngày, không ngừng tìm tòi và phát hiện phương thức mới, từ chính những vật dụng trong gia đình. Cho dù trẻ không thích các đồ chơi, trò chơi, bạn vẫn nên thử nghiệm. Theo dõi để phát hiện hành vi nào, trò chơi nào trẻ ưa thích.

 

Trả lời

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN


Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Ngô Xuân Điệp đã có 10 năm thăm khám trị liệu tâm lý tại khoa tâm lý, Bv nhi đồng 2 và 12 năm là giảng viên tại khoa tâm lý – Đai học Khoa học và Xã Hội Nhân Văn. Kinh nghiệm 22 năm thăm khám, đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ.