TS. Ngô Xuân Điệp

Cố vấn chuyên môn Trung tâm Giáo dục Tường Minh

Trưởng Khoa Tâm lý học, ĐHKHXH&NV TP. HCM

Để tìm hiểu khả năng phát triển của trẻ tự kỷ, chúng tôi tiến hành sử dụng hai trắc nghiệm PEP 3 và VINELAND II để đo đạc, đây là các trắc nghiệm khá thông dụng trên thế giới trong việc đánh giá sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trẻ tự kỷ. Trước hết chúng tôi xác định khách thể nghiên cứu là 32 trẻ tự kỷ tại các trường chuyên biệt trong Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó sử dụng hai trắc nghiệm đo đạc lần một và tiến hành can thiệp bằng “chương trình phối hợp giữa gia đình và trường chuuyeen biệt” trong vòng 6 tháng, sau đó sử dụng lại hai trắc nghiệm này đo đạc lần 2 và cho ra kết quả đối chiếu giữa hai lần đo.

  1. Đặc điểm khách thể nghiên cứu

Khách thể của nghiên cứu gồm 32 trẻ (có 16 trẻ ở nhóm thực nghiệm và 16 trẻ ở nhóm đối chứng), 32 phụ huynh của trẻ và 37 giáo viên từ các trường chuyên biệt, trung tâm can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trắc nghiệm PEP-3 và Vineland II được đo trên trẻ từ 30 đến 72 tháng tuổi, độ tuổi trung bình là 3 tuổi 10 tháng 14 ngày, trong đó có 24 trẻ nam (chiếm 75% tổng số khách thể) và 8 trẻ nữ (chiếm 25% tổng số khách thể). Trẻ đang học tại một số trường chuyên biệt trên thành phố Hồ Chí Minh. Các trẻ này đang được can thiệp tại các trường chuyên biệt và đã được xác định là trẻ tự kỷ bởi kết quả chẩn đoán của các bác sỹ tại một số bệnh viện: Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh…

Đồng thời, nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra bằng bảng hỏi với phụ huynh và giáo viên. 37 giáo viên và 32 phụ huynh đã tham gia nghiên cứu. Về nhóm khách thể là giáo viên, có 1 nam (chiếm 2,9%) và 34 nữ (chiếm 97,1%). Độ tuổi trung bình của giáo viên là 24,8. Đa số giáo viên có trình độ đại học, từ các ngành như tâm lý (có 18 người, chiếm 54,5%), giáo dục đặc biệt (có 8 người, chiếm 24,2%), công tác xã hội (có 4 người, chiếm 12,1%) và một số ngành khác như giáo viên tiểu học, mầm non (có 3 người, chiếm 9,1%). Giáo viên tham gia nghiên cứu đa phần dạy tại các cơ sở có quy mô dưới 60 trẻ (chiếm 66,7%), còn lại là ở các cơ sở có có trên 60 trẻ (chiếm 33,3%).

Về nhóm khách thể là phụ huynh, có 32 người, độ tuổi trung bình là 33,6. Về giới tính, nhóm khách thể này có 5 nam (chiếm 16,1%) và 26 nữ (chiếm 83,6%) là cha mẹ hoặc người chăm sóc của trẻ TTK tham gia nghiên cứu này. Về trình độ, phụ huynh có trình độ đại học chiếm số lượng nhiều nhất (18 người, chiếm 66,7%), tiếp đến là trình độ trung học (7 người, chiếm 25,9%) và trên đại học (2 người, chiếm 7,4%).

2. Đo đạc trước và sau thực nghiệm

2.1. Quy trình đo đạc

Trắc nghiệm PEP 3 và thang VINELAND II được đo trên trẻ từ 30 đến 72 tháng tuổi tại một số trường chuyên biệt trên Tp. Hồ Chí Minh. Các trẻ này đang được can thiệp tại các trường chuyên biệt và đã được xác định là trẻ tự kỷ bởi kết quả chẩn đoán của các bác sỹ tại một số bệnh viện như: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bv. Tâm thần Tp. HCM…

Sau khi được sự đồng ý của gia đình và các trường chuyên biệt, chúng tôi tiến hành trắc nghiệm trên trẻ. Các công việc đã làm:

Sau khi đo đạc lần 1 chúng tôi tiến hành thực nghiệm trên trẻ, sau 6 tháng thực nghiệm đánh giá lần 2. Về cơ bản cách thức đánh giá lần 2 giống như lần 1. Kết quả của hai trắc nghiệm thông qua hai lần đo chúng tôi sử dụng phần mềm spss xử lý số liệu nghiên cứu.

2.2. Công cụ đo đạc

Mới mục đích đánh giá sự phát triển của trẻ tự kỷ sau khi can thiệp với chương trình phối hợp (CTPH) giữa gia đình và TCB, chúng tôi tiến hành kiểm tra bắng test PEP-3 và test VINELAND II. Đây là hai thang đo được sử dụng rộng rãi trên thế giới đánh giá khả năng phát triển nhiều mặt của trẻ tự kỷ.

2.2.1. Thang đánh giá PEP-3

Thang đánh giá PEP hay còn được gọi là hồ sơ tâm lý giáo dục (Psychoeducation Profile) là công cụ đánh giá cá nhân thuộc lĩnh vực tâm lý – giáo dục dành cho trẻ có rối loạn tự kỷ. Công cụ này nhằm giúp phát hiện những khả năng của trẻ trong 3 lĩnh vực chính: giao tiếp, kỹ năng vận động và hành vi kém thích ứng. Trắc nghiệm được thiết kế lần đầu tiên năm 1979 bởi các tác giả: Eric Scholer, Margaret D. Lansing, Robert J. Reichler, Lee M. Marcus, tại khoa y, trường đại học bắc Caronila, Chapel Hill, Mỹ. Phiên bản này được cập nhật năm 1990 với tên gọi Pep R và được phát triển lên thành PEP-3 năm 2004. Việc hình thành trắc nghiệm Pep cho phép nhóm tác giả khẳng định lần đầu tiên trẻ tự kỷ được đánh giá về từng lĩnh vực phát triển so với trước đây khi trẻ chỉ được đánh giá dựa trên các thang đo trí tuệ (Wechsler, Stanford-Binet). Đồng thời Pep cũng là công cụ  giúp cho các bậc cha mẹ sử dụng trong việc hỗ trợ cho chương trình can thiệp TEACCH (Treatment and Education of Autistic and Communication Handicapped Children) với con họ và khẳng định việc hỗ trợ các kỹ năng cho trẻ phụ thuộc vào chương trình can thiệp cộng đồng, vào việc giáo dục trên cơ sở khả năng của từng trẻ. Quan điểm này được cho có tính tiến bộ vượt bậc so với việc can thiệp cho trẻ tự kỷ tại các cơ sở tâm thần trước đây. Ngoài ra, các tác giả cũng lần đầu tiên khẳng định chính thức quan điểm cho rằng cha mẹ của trẻ tự kỷ không phải là nguyên nhân gây ra rối loạn cho trẻ như đã được công nhận rộng rãi trước năm 1970, mà có nguyên nhân từ thần kinh, từ sinh học trong não bộ[1].

PEP-3 được thiết kế để hỗ trợ các nhà giáo dục trong việc lập kế hoạch xây dựng chương trình can thiệp và đánh giá trẻ tự kỷ hay trẻ có rối loạn phát triển lan tỏa khác. PEP-3 bao gồm hai phần chính. Phần thực hành ứng dụng đánh giá và quan sát trực tiếp trẻ. Phần này bao gồm 10 tiểu test, trong đó có 6 tiểu test đo khả năng phát triển và 4 tiểu test đo mức độ kém thích ứng của trẻ. Phần đánh giá của người chăm sóc có 3 tiểu test với mục đích ghi lại các phản ứng hành vi của trẻ cũng như một số kỹ năng thông thường trẻ đạt được thông qua phần trả lời của cha mẹ hay người nuôi dưỡng trẻ[2].

Phần các tiểu test về phát triển gồm: Tiểu test 1: Nhận thức có lời/trước lời, có 34 bài, tập trung vào nhận thức và trí nhớ từ. Các Items này đo khả năng giải quyết vấn đề, gọi tên, sắp xếp, và phối hợp tri giác vận động. Tiểu test 2: Ngôn ngữ diễn đạt, có 25 bài, đo lường khả năng trong việc thể hiện lời nói hoặc cử chỉ của trẻ. Tiểu test 3: Tiếp thu ngôn ngữ, có 19 bài, nhằm đo lường khả năng hiểu ngôn ngữ nói của trẻ. Tiểu test 4: Vận động tinh, có 20 bài, đánh giá mức độ của trẻ trong việc phối hợp các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Tiểu test 5: Vận động thô, có 15 bài, nhằm đánh giá khả năng của trẻ trong việc kiểm soát các phần khác nhau của cơ thể. Tiểu test 6: Liên kết tay – mắt, có 10 bài, nhằm đánh giá khả năng bắt chước của trẻ trong việc phối hợp thị giác và vận động.

Phần các tiểu test về hành vi kém thích ứng gồm: Tiểu test 7:  Diễn đạt cảm xúc, có 11 bài, nhằm đo lường mức độ trẻ thể hiện phản ứng tình cảm thích hợp, bao gồm sử dụng nét mặt hoặc tư thế cơ thể. Tiểu test 8:  Tương tác xã hội, có 12 bài, nhằm đo lường khả năng tương tác xã hội của trẻ với người khác. Tiểu test 9:  Những hành vi vận động đặc trưng, có 15 bài, nhằm đo lường những hành vi xúc giác và cảm giác điển hình của trẻ tự kỷ. Tiểu test 10:  Những hành vi lời nói đặc trưng, có 11 bài, nhằm đo lường khả năng nói một cách thích hợp với sự lặp lại tối thiểu hoặc bập bẹ của trẻ.

Phần đánh giá của người chăm sóc gồm: Tiểu test 11: Các vấn đề về hành vi có 10 bài, nhằm tìm hiểu những hành vi, ngôn ngữ, giao tiếp, quan hệ xã hội bất thường ở trẻ. Tiểu test 12: Tính tự lập có 13 bài, nhằm tìm hiểu các kỹ năng tự phục vụ của trẻ như các kỹ năng ăn uống,  nhủ, đi vệ tinh, mặc quần áo, tắm …. Tiểu test 13: Hành vi thích ứng có 15 bài, nhằm tìm hiểu khả năng ứng phó của trẻ với nhiều tình huống đa dạng trong cuộc sống.

[1] Eric Scholer, Margaret D. Lansing, Robert J. Reichler, Lee M. Marcus (2005), Psychoeducational Profile – Third Edition,  Pro – Ed, Inc, America, Tr V.

[2] Eric Scholer, Margaret D. Lansing, Robert J. Reichler, Lee M. Marcus (2005), Psychoeducational Profile – Third Edition,  Pro – Ed, Inc, America, Tr 3.

Bảng 1: Điểm bách phân vị xác định mức độ phát triển/thích ứng

của trẻ tự kỷ trong PEP-3[1]

Điểm bách phân vị
Thứ hạng bách phân vị Mức độ phát triển/thích ứng
Bình thường >89
Thiếu hụt nhẹ 75 – 89
Thiếu hụt trung bình 25 – 74
Thiếu hụt nặng <25

[1] Eric Scholer, Margaret D. Lansing, Robert J. Reichler, Lee M. Marcus (2005), Psychoeducational Profile – Third Edition,  Pro – Ed, Inc, America, Tr 18

Bảng 2: Các ký hiệu cho lĩnh vực trắc nghiệm[1]

STT Ký hiệu Tiếng  Anh Tiếng Việt
1 CVP Cognitive Verbal/Preverbal Nhận thức có lời/trước lời
2 EL Expressive language Ngôn ngữ diễn đạt
3 RL Receptive language Tiếp thu ngôn ngữ
4 FM Fine Motor Vận động tinh
5 GM Gross Motor Vận động thô
6 VMI Visual-Motor Imitation Liên kết tay – mắt
7 AE Affective Expression Diễn đạt cảm xúc
8 SR Social Reciprocity Tương tác xã hội
9 CMB Characteristic Motor Behaviors Hành vi vận động đặc trưng
10 CVB Characteristic Verbal Behaviors Những hành vi lời nói đặc trưng
11 PB Problem Behaviors Các vấn đề về hành vi
12 PSC Personal Self-Care Tự chăm sóc
13 AB Adaptive Behaviors Hành vi thích ứng

2.2.2. Vineland II

Thang đo hành vi thích ứng Vineland II là một bản phỏng vấn dành cho cha mẹ hoặc người trực tiếp chăm sóc trẻ. Mỗi item là một biểu hiện hành vi của trẻ được đánh giá ở ba mức điểm là 2 (Thường xuyên), 1 (Đôi khi hoặc một phần nào đó) và 0 (Không bao giờ).  Tất cả các item đều có phần đánh giá “không biết” (KP) nếu người được phỏng vấn không biết rõ đối tượng có thực hiện hành vi được mô tả trong item hay không. Một số item còn có đánh giá “K/P” nếu đối tượng không có cơ hội để hiện hành vi được mô tả trong item. Tuy nhiên, nếu trong một tiểu lĩnh vực có từ 2 item trở lên được đánh giá là “KP” thì huỷ kết quả của tiểu lĩnh vực đó.

Các câu (item) trong một tiểu lĩnh vực được sắp xếp theo mức độ tăng dần của độ tuổi. Xác định mức tuổi của đối tượng làm điểm xuất phát đánh giá một tiểu lĩnh vực. Từ điểm xuất phát, bắt đầu đánh giá những item của độ tuổi trước đó. Nếu đối tượng đạt được mức điểm tối đa (2 điểm) ở 5 item liên tiếp thì dừng lại. Đó chính là mức sàn phát triển tiểu lĩnh vực đó của đối tượng (Các item dưới đó được xem là dưới sàn). Từ sàn, đánh giá ngược trở lại các item ở độ tuổi cao hơn. Nếu đối tượng đạt điểm 0 ở 5 item liên tiếp thì dừng lại. Đó là trần phát triển tiểu lĩnh vực của đối tượng.

Sau khi đánh giá xong, điểm thô (raw score) của từng tiểu lĩnh vực được tính là tổng của số item dưới sàn (hệ số 2) + số item trả lời KP  (hoặc không trả lời) + số item trả lời K/P + tổng số điểm 2 và 1 trong khoảng từ sàn đến trần. Điểm thô cho từng tiểu lĩnh vực được qui thành điểm chuẩn tiểu lĩnh vực (tác giả gọi đó là v-scale score). Từ điểm chuẩn này sẽ xếp loại được mức độ và tuổi tương đương của đối tượng trong từng tiểu lĩnh vực.

Điểm v-scale của lĩnh vực là tổng điểm v-scale của các tiểu lĩnh vực thuộc lĩnh vực đó. Sau đó điểm này sẽ được qui thành điểm chuẩn lĩnh vực (domains standard score). Điểm chuẩn này là cơ sở để xếp loại mức độ HVTN và tuổi tương đương của đối tượng trong từng lĩnh vực. Điểm số qui chuẩn tối đa cho mỗi lĩnh vực là 100, mỗi độ lệch chuẩn là 15 điểm. Nếu điểm số qui chuẩn cho một lĩnh vực thấp hơn 2 độ lệch chuẩn (đạt từ 70 điểm trở xuống) thì được xem là thiếu hụt HVTN trong lĩnh vực đó.

Mức độ HVTN được xếp loại theo điểm chuẩn như sau:

Bảng 3: Mức độ hành vi thích nghi được xếp loại theo điểm chuẩn

Điểm chuẩn các

tiểu lĩnh vực

(V Scale Score)

Mức độ Điểm chuẩn lĩnh vực

và tổng hợp

(Standard Score)

1 – 9 Thấp 20 – 70
10 – 12 Trung bình thấp 71 – 85
13 – 17 Trung bình 86 – 114
18 – 20 Trên trung bình 115 – 129
21 – 24 Cao 130 – 160

Tổng điểm chuẩn của tất các lĩnh vực được qui thành điểm số HVTN tổng hợp. Từ đó xếp loại chỉ số HVTN chung của cá nhân. Đối với chỉ số HVTN chung, nếu điểm số qui chuẩn thấp hơn 2 độ lệch chuẩn (đạt từ 70 điểm trở xuống) hoặc có từ hai lĩnh vực trở lên đạt điểm số qui chuẩn thấp hơn 1,5 độ lệch chuẩn thì được xem là thiếu hụt.

Mức độ thiếu hụt HVTN được xếp loại theo điểm chuẩn như sau:

Bảng 4: Mức độ thiếu hụt HVTN được xếp loại theo điểm chuẩn

Điểm số Mức độ
50 – 55 đến xấp xỉ 70 Thiếu hụt nhẹ
35 – 40 đến 50 – 55 Thiếu hụt trung bình
20 – 25 đến 35 – 40 Thiếu hụt nặng
Dưới 20 – 25 Thiếu hụt rất nặng

 

III. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kết quả đo đạc trước và sau thực nghiệm

3.1.1. Kết quả kiểm tra test PEP-3

  1. Nhóm đối chứng

Bảng 5: Đánh giá chung về các lĩnh vực của nhóm đối chứng

trước thực nghiệm

Mức độ Giao tiếp Vận động Hành vi

thích ứng

SL % SL % SL %
Bình thường 0 0,0% 0 0,0% 0 0,0%
Thiếu hụt nhẹ 2 12,5% 2 12,5% 2 12,5%
Thiếu hụt trung bình 9 56,3% 8 50,0% 6 37,5%
Thiếu hụt nặng 5 31,3% 6 37,5% 8 50,0%

Quan sát bảng trên, kết quả cho thấy ở mức bình thường không có trẻ nào, ở mức thiếu hụt nhẹ ở cả 3 lĩnh vực (giao tiếp, vận động, hành vi thích ứng) đều chiếm 2%. Tuy nhiên, ở lĩnh vực giao tiếp, số trẻ có thiếu hụt ở mức trung bình chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong nhóm (9 trẻ, chiếm 56,3%). Tương tự, ở lĩnh vực vận động, trẻ có thiếu hụt ở mức trung bình chiếm tỷ lệ nhiều nhất (8 trẻ, chiếm 50%). Tuy nhiên, về hành vi thích ứng, chiếm số lượng lớn nhất trong nhóm này là trẻ có thiếu hụt nặng (8 trẻ, chiếm 50%). Như vậy trước khi tiến hành can thiệp trẻ tự kỷ chủ yếu rơi vào mức độ thiếu hụt ở mức trung bình và không có trẻ nào phát triển bình thường khi tiến hành kiểm tra bằng test PEP 3.

Thống kê mức độ phát triển của nhóm đối chứng về từng lĩnh vực phát triển cụ thể như nhận thức có lời/trước lời, ngôn ngữ diễn đạt, tiếp thu ngôn ngữ, vận động tinh, vận động thô, liên kết tay – mắt, diễn đạt cảm xúc, tương tác xã hội, những hành vi vận động đặc trưng, v.v., kết quả cho thấy:

Bảng 6: Đánh giá về từng lĩnh vực cụ thể của nhóm đối chứng

trước thực nghiệm

Mức độ

phát triển

Lĩnh vực phát triển
CVP EL RL FM GM VMI AE SR CMB CVB PB PSC AB
Bình thường SL 0 0 0 1 1 0 3 0 2 0 0 1 0
% 0,0 0,0 0,0 6,3 6,3 0,0 20,0 0,0 12,5 0,0 0,0 6,3 0,0
Thiếu hụt mức nhẹ SL 1 0 3 1 0 0 1 2 1 0 0 2 1
% 6,3 0,0 18,8 6,3 0,0 0,0 6,7 12,5 6,3 0,0 0,0 12,5 6,3
Thiếu hụt mức trung bình SL 12 11 10 11 7 11 10 11 11 5 7 9 12
% 75,0 68,8 62,5 68,8 43,8 68,8 66,7 68,8 68,8 45,5 43,8 56,3 75,0
Thiếu hụt mức nặng SL 3 5 3 3 8 5 1 3 2 6 9 4 3
% 18,8 31,3 18,8 18,8 50,0 31,3 6,7 18,8 12,5 54,5 56,3 25,0 18,8

Trước thực nghiệm, kết quả trắc nghiệm PEP-3 của 16 trẻ tự kỷ trong nhóm này cho thấy, trẻ gặp khó khăn ở hầu hết các lĩnh vực phát triển, trong đó phần lớn số trẻ rơi vào mức thiếu hụt trung bình và thiếu hụt nặng. Kết quả thống kê trong bảng trên cho thấy, ở mức thiếu hụt trung bình, có 12/16 trẻ thiếu hụt ở mức này trong lĩnh vực CVP và AB. Lĩnh vực mà trẻ thiếu hụt ở mức trung bình thấp nhất là CVB (có 5/16 trẻ). Tiếp theo, ở mức thiếu hụt nặng, chiếm số lượng nhiều nhất là ở lĩnh vực PB (có 9/16 trẻ) và ít nhất là ở lĩnh vực AE (có 1/16 trẻ). Ở mức thiếu hụt nhẹ và bình thường (không thiếu hụt) có tỉ lệ thấp tương đối đồng đều nhau.

  1. Nhóm thực nghiệm

Bảng 7: Đánh giá chung về các lĩnh vực của nhóm thực nghiệm

trước thực nghiệm

Mức độ Giao tiếp Vận động Hành vi

thích ứng

SL % SL % SL %
Bình thường 0 0,0% 0 0,0% 2 12,5%
Thiếu hụt nhẹ 0 0,0% 2 12,5% 0 0,0%
Thiếu hụt trung bình 8 50,0% 7 43,8% 4 25,0%
Thiếu hụt nặng 8 50,0% 7 43,8% 10 62,5%

Trước thực nghiệm, kết quả đánh giá trẻ ở nhóm thực nghiệm cho thấy đa số trẻ có thiếu hụt từ mức trung bình đến mức nặng ở các lĩnh vực. Cụ thể, ở lĩnh vực giao tiếp, một nửa số trẻ trong nhóm có thiếu hụt ở mức trung bình và một nửa số trẻ thiếu hụt ở mức nặng. Tương tự, ở lĩnh vực vận động. Xét về hành vi thích ứng, chiếm số lượng lớn nhất trong nhóm này là trẻ có thiếu hụt nặng (10 trẻ, chiếm 62,5%).

Xem xét kết quả đánh giá về mức độ phát triển của nhóm này trước thực nghiệm về từng lĩnh vực phát triển cụ thể, kết quả cho thấy:

Bảng 8: Đánh giá về từng lĩnh vực cụ thể của nhóm thực nghiệm

trước thực nghiệm

Mức độ

phát triển

Lĩnh vực phát triển
CVP EL RL FM GM VMI AE SR CMB CVB PB PSC AB
Bình thường SL 0 0 0 0 1 0 2 0 1 1 0 2 1
% 0,0 0,0 0,0 0,0 6,3 0,0 12,5 0,0 6,3 7,7 0,0 12,5 6,3
Thiếu hụt mức nhẹ SL 0 0 2 0 0 1 1 2 1 0 1 3 1
% 0,0 0,0 12,5 0,0 0,0 6,3 6,3 12,5 6,3 0,0 6,3 18,8 6,3
Thiếu hụt mức trung bình SL 9 7 10 11 10 8 8 10 10 6 8 7 11
% 56,3 43,8 62,5 68,8 62,5 50,0 50,0 62,5 62,5 46,2 50,0 43,8 68,8
Thiếu hụt mức nặng SL 7 9 4 5 5 7 5 4 4 6 7 4 3
% 43,8 56,3 25,0 31,3 31,3 43,8 31,3 25,0 25,0 46,2 43,8 25,0 18,8

Tương tự như nhóm đối chứng, trước thực nghiệm, kết quả trắc nghiệm PEP-3 của 16 trẻ tự kỷ trong nhóm thực nghiệm cho thấy, trẻ gặp khó khăn ở hầu hết các lĩnh vực phát triển, trong đó phần lớn số trẻ rơi vào mức thiếu hụt trung bình và thiếu hụt nặng. Kết quả trong bảng trên cho thấy, ở mức thiếu hụt trung bình, có 10/16 trẻ thiếu hụt ở mức này trong lĩnh vực RL, GM, SR, CMB. Lĩnh vực mà trẻ chiếm số lượng ít nhất ở thiếu hụt ở mức trung bình là CVB (có 6/16 trẻ). Tiếp theo, ở mức thiếu hụt nặng, chiếm số lượng nhiều nhất là ở lĩnh vực EL (có 9/16 trẻ) và ít nhất là ở lĩnh vực AB (có 3/16 trẻ). Ở mức thiếu hụt nhẹ và bình thường (không thiếu hụt) có tỉ lệ thấp tương đối đồng đều nhau.

  1. So sánh kết quả test PEP-3 trước và sau thực nghiệm

Tiến hành Paired-Sample T-test với kết quả test PEP-3 của trẻ ở hai nhóm trước và sau khi thực nghiệm, kết quả cho thấy nhìn chung mức độ các lĩnh vực đánh giá như giao tiếp, vận động và hành vi thích ứng ở cả hai nhóm đều tăng lên. Cụ thể:

Bảng 9: So sánh kết quả đánh giá chung về các lĩnh vực

của hai nhóm trước và sau thực nghiệm

Nhóm Lĩnh vực M t p
Đối chứng Giao tiếp Trước thực nghiệm 25,88 -0,792 0,440
Sau thực nghiệm 26,25
Vận động Trước thực nghiệm 25,25 -1,728 0,105
Sau thực nghiệm 26,38
Hành vi thích ứng Trước thực nghiệm 37,63 -3,625 0,002
Sau thực nghiệm 40,19
Thực nghiệm Giao tiếp Trước thực nghiệm 24,00 -1,643  

0,121

 

Sau thực nghiệm 25,25
Vận động Trước thực nghiệm 24,31 -3,362  

0,004

Sau thực nghiệm 28,81
Hành vi thích ứng Trước thực nghiệm 35,69 -7,603  

0,000

Sau thực nghiệm 42,00

Ghi chú: M = Điểm trung bình, t = giá trị T-test, p=hệ số xác suất

Ở nhóm đối chứng, sau quá trình can thiệp bình thường tại các trung tâm, trường chuyên biệt, mức độ phát triển và thích ứng của trẻ đều tăng, đặc biệt có ở hành vi thích ứng, trẻ có mức độ tăng hơn so với trước, và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ( t(15)=-3,625, p=0,002).

Ở nhóm thực nghiệm, khi sử dụng kết hợp chương trình can thiệp phối hợp, mức độ phát triển về giao tiếp, vận động và thích ứng của trẻ đều tăng so với trước, và có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở mức độ vận động ( t(15)=-3,362, p=0,004) và hành vi thích ứng (t(15)=-7,603, p=0,000).

Để xem xét kỹ lưỡng hơn hiệu quả của chương trình can thiệp kết hợp, chúng tôi tiến hành so sánh T-test về mức độ phát triển của trẻ trong từng lĩnh vực cụ thể ở cả hai nhóm, kết quả cho thấy, ở nhóm đối chứng, điểm số của các tiểu lĩnh vực như VMI, SR, CVB đều tăng hơn so với trước, và kết quả này có ý nghĩa thống kê. Ở nhóm thực nghiệm, các lĩnh vực EL, FM, VMI, AE, SR, CMB, CVB có điểm tăng hơn sau thực nghiệm, và kết quả này cũng có ý nghĩa thống kê. Kết quả được trình bày cụ thể trong bảng dưới đây:

Bảng 10: So sánh kết quả đánh giá về từng lĩnh vực cụ thể

của hai nhóm trước và sau thực nghiệm

Nhóm Lĩnh vực M t p
Đối chứng VMI Trước thực nghiệm 8,25 -2,931 0,010
Sau thực nghiệm 9,06
SR Trước thực nghiệm 9,56 -2,179 0,046
Sau thực nghiệm 10,19
CVB Trước thực nghiệm 6,88 -4,038 0,001
Sau thực nghiệm 8,13
Thực nghiệm EL Trước thực nghiệm 7,25 -2,334 0,034
Sau thực nghiệm 7,81
FM Trước thực nghiệm 8,06 -2,712 0,016
Sau thực nghiệm 9,31
VMI Trước thực nghiệm 8,31 -4,869 0,000
Sau thực nghiệm 10,06
AE Trước thực nghiệm 9,44 -5,400 0,000
Sau thực nghiệm 11,13
SR Trước thực nghiệm 9,00 -6,822 0,000
Sau thực nghiệm 10,38
CMB Trước thực nghiệm 9,94 -3,727 0,002
Sau thực nghiệm 11,19
CVB Trước thực nghiệm 7,31 -4,671 0,000
Sau thực nghiệm 9,31

Ghi chú: M = Điểm trung bình, t = giá trị T-test, p=hệ số xác suất

Như vậy, có thể thấy, xét trên tổng thể mức độ phát triển về giao tiếp, vận động và hành vi thích ứng, sau chương trình, kết quả test bằng trắc nghiệm PEP-3 của trẻ đều tăng lên. Đồng thời, sau thực nghiệm, các lĩnh vực cụ thể cũng có điểm số tăng hơn so với trước, và ở một số lĩnh vực cũng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Đồng thời, để đánh giá hiệu quả của chương trình can thiệp phối hợp này, tức là xem xét xem nhóm thực nghiệm có tiến bộ nhiều hơn nhóm đối chứng hay không, chúng tôi tiến hành phân tích hiệp phương sai ANCOVA.

Kết quả phân tích ANCOVA giữa nhóm đối chứng và thực nghiệm cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ lĩnh vực tự chăm sóc bản thân (PSC) giữa hai nhóm [F(1, 29)= 6,117, p=0,019]. Kết quả cho thấy nhóm đối chứng (M=2,057) có mức độ thiếu hụt ở lĩnh vực PSC cao hơn nhóm thực nghiệm (M=2,630).

Không chỉ có vậy, phân tích ANCOVA về mức độ lĩnh vực hành vi thích ứng (AB) cũng cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm đối chứng và thực nghiệm [F(1, 29)= 6,302, p=0,018]. Kết quả cho thấy mức độ thiếu hụt ở lĩnh vực AB của nhóm đối chứng (M=2,100) cao hơn so với nhóm thực nghiệm (M=2,525)

3.1.2. Kết quả kiểm tra test Vineland II

  1. Nhóm đối chứng

Kết quả đánh giá về năng lực hành vi thích ứng bằng test Vineland II cho thấy trong nhóm đối chứng có 12 trẻ (chiếm 75,0%) ở mức thấp và có 4 trẻ (chiếm 25,0%) có năng lực hành vi thích ứng ở mức độ trung bình thấp. Cụ thể, các lĩnh vực trong năng lực hành vi thích ứng của các trẻ được trình bày ở bảng dưới đây:

Bảng 11: Kết quả các lĩnh vực cụ thể của nhóm đối chứng trước thực nghiệm

Lĩnh vực M SD
Giao tiếp 60,25 9,67
Kỹ năng sống hàng ngày 66,25 12,80
Xã hội hóa 64,88 6,62
Vận động 67,06 8,49

Ghi chú: M = Điểm trung bình, SD = Độ lệch chuẩn

Điểm trung bình trình bày trong bảng trên cho thấy các lĩnh vực đánh giá về năng lực hành vi thích ứng như giao tiếp, kỹ năng sống hàng ngày, xã hội hóa và vận động của nhóm đối chứng ở mức độ thấp. Trong đó, cụ thể:

Bảng 12: Mức độ năng lực hành vi thích ứng trên từng lĩnh vực cụ thể

của nhóm đối chứng trước thực nghiệm

Lĩnh vực
  Mức độ Giao tiếp Kỹ năng sống hàng ngày Xã hội hóa Vận động
SL % SL % SL % SL %
Thấp 13 81,3 10 62,5 13 81,3 7 43,8
Trung bình thấp 3 18,8 5 31,3 3 18,8 9 56,3
Trung bình 0 0,0 1 6,3 0 0,0 0 0,0
Trung bình cao 0 0,0 0 0,0 0 0,0 0 0,0
Cao 0 0,0 0 0,0 0 0,0 0 0,0
  1. Nhóm thực nghiệm

Tiến hành đánh giá năng lực hành vi thích ứng bằng test Vineland II cho thấy tương tự như nhóm đổi chứng, trong nhóm này có 12 trẻ (chiếm 75,0%) ở mức thấp và có 4 trẻ (chiếm 25,0%) có năng lực hành vi thích ứng ở mức độ trung bình thấp. Cụ thể, các lĩnh vực trong năng lực hành vi thích ứng của các trẻ được trình bày trong bảng dưới đây:

Bảng 13: Kết quả các lĩnh vực cụ thể của nhóm thực nghiệm trước thực nghiệm

Lĩnh vực M SD
Giao tiếp 56,63 11,25
Kỹ năng sống hàng ngày 69,44 11,99
Xã hội hóa 67,00 8,26
Vận động 68,94 14,30

Ghi chú: M = Điểm trung bình, SD = Độ lệch chuẩn

Kết quả thống kê trình bày trong bảng trên cho thấy các lĩnh vực về năng lực hành vi thích ứng như giao tiếp, kỹ năng sống hàng ngày, xã hội hóa và vận động của nhóm thực nghiệm cũng ở mức độ thấp như nhóm đối chứng trước khi thực nghiệm. Trong đó, cụ thể:

Bảng 14: Mức độ năng lực hành vi thích ứng trên từng lĩnh vực cụ thể

của nhóm thực nghiệm trước thực nghiệm

Lĩnh vực
  Mức độ Giao tiếp Kỹ năng sống hàng ngày Xã hội hóa Vận động
SL % SL % SL % SL %
Thấp 14 87,5 8 50,0 11 68,8 10 62,5
Trung bình thấp 2 12,5 6 37,5 4 25,0 4 25,0
Trung bình 0 0,0 2 12,5 1 6,3 2 12,5
Trung bình cao 0 0,0 0 0,0 0 0,0 0 0,0
Cao 0 0,0 0 0,0 0 0,0 0 0,0

 So sánh kết quả test Vineland II trước và sau thực nghiệm

Tiến hành so sánh Paired-samples T-test về kết quả đánh giá năng lực hành vi thích ứng của trẻ nhóm thực nghiệm trước và sau thực nghiệm, chúng tôi thấy rằng, ở tất cả các lĩnh vực, điểm số của trẻ ở nhóm thực nghiệm đều tăng lên so với trước, và sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê. Tương tự, khi so sánh ở nhóm đối chứng, kết quả cho thấy mặc dù điểm trung bình tất cả các lĩnh vực của nhóm đối chứng sau thực nghiệm có tăng hơn so với trước, nhưng sự khác biệt này hoàn toàn không có ý nghĩa thống kê. Kết quả được trình bày cụ thể trong bảng dưới đây:

 Bảng 15: So sánh kết quả đánh giá chung về các lĩnh vực

của mỗi nhóm trước và sau thực nghiệm

Nhóm Lĩnh vực M t p
Đối chứng Giao tiếp Trước thực nghiệm 60,25 -0,725 0,479
Sau thực nghiệm 61,25
Kỹ năng sống hàng ngày Trước thực nghiệm 66,25 -1,454 0,167
Sau thực nghiệm 68,25
Xã hội hóa Trước thực nghiệm 64,88 -1,093 0,292
Sau thực nghiệm 65,75
Vận động Trước thực nghiệm 67,06 -0,968 0,348
Sau thực nghiệm 68,13
Năng lực hành vi thích ứng Trước thực nghiệm 61,75 -1,040 0,315
Sau thực nghiệm 62,75
Thực nghiệm Giao tiếp Trước thực nghiệm 56,63 -3,156 0,007
Sau thực nghiệm 60,81
Kỹ năng sống hàng ngày Trước thực nghiệm 69,44 -4,971 0,000
Sau thực nghiệm 74,50
Xã hội hóa Trước thực nghiệm 67,00 -6,011 0,000
Sau thực nghiệm 70,88
Vận động Trước thực nghiệm 68,94 -2,246 0,040
Sau thực nghiệm 71,75
Năng lực hành vi thích ứng Trước thực nghiệm 62,31 -6,203 0,000
Sau thực nghiệm 66,38

Ghi chú: M = Điểm trung bình, t = giá trị T-test, p=hệ số xác suất

Ngoài ra, sau thực nghiệm, so sánh kết quả đánh giá lại bằng test Vineland II giữa hai nhóm đối chứng và thực nghiệm, kết quả nhìn chung cho thấy điểm của nhóm thực nghiệm cao hơn nhóm đối chứng ở các lĩnh vực, đặc biệt là ở lĩnh vực xã hội hóa với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so sánh Paired-samples T-test (t(15)=2,638; p=0,019).

Tương tự, để đánh giá xem xét xem nhóm thực nghiệm có tiến bộ nhiều hơn nhóm đối chứng hay không, tương tự như khi phân tích kết quả thu được từ PEP-3, chúng tôi tiến hành phân tích hiệp phương sai ANCOVA với kết quả thu được từ Vineland II.

Tiến hành phân tích ANCOVA kết quả đo trước – sau thực nghiệm của hai nhóm, kết quả cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở lĩnh vực xã hội hóa giữa hai nhóm [F(1, 29)= 7,455, p=0,011]. Kết quả cho thấy khả năng trong lĩnh vực này của nhóm thực nghiệm (M=1,514) tốt hơn nhóm đối chứng (M=1,174) sau thực nghiệm.

Tiến hành phân tích ANCOVA kết quả đo trước – sau thực nghiệm của hai nhóm về từng tiểu mục của Vineland II, chúng tôi thấy rằng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm trong tiểu mục như ngôn ngữ tiếp nhận [F(1, 29)= 6,692, p=0,015], gia đình [F(1, 29)= 5,864, p=0, 022], và thời gian chơi [F(1, 29)= 8,218, p=0, ,008]. Ở những mục này, nhóm thực nghiệm đều có khả năng tốt hơn so với nhóm đối chứng sau thời gian thực nghiệm. Điều này thể hiện qua điểm trung bình hiệu chỉnh trình bày trong bảng sau:

Bảng 16: Điểm trung bình của hai nhóm của từng tiểu mục sau quá trình thực nghiệm

Mục Nhóm M SE
Thời gian vui chơi

 

Thực nghiệm 1,803a 0,087
Đối chứng 1,447a 0,087
Gia đình

 

Thực nghiệm 2,455a 0,118
Đối chứng 2,045a 0,118
Ngôn ngữ tiếp nhận

 

Thực nghiệm 1,567a 0,087
Đối chứng 1,245a 0,087

Ghi chú: M= Điểm trung bình; SE= Sai số chuẩn

Tiến hành kiểm tra trên trắc nghiệm PEP 3 cho thấy hầu hết cả hai nhóm trẻ tự kỷ (thực nghiệm và đối chứng) đều rơi vào mức thiếu hụt trung bình và thiếu hụt nặng, rất ít trẻ rơi vào thiếu hụt nhẹ hay phát triển bình thường, trong đó thiếu hụt nặng có tỉ lệ cao rơi vào lĩnh vực hành vi thích ứng. Kiểm tra cả hai nhóm trước và sau khi thực nghiệm cho thấy nhìn chung mức độ các lĩnh vực đánh giá như giao tiếp, vận động và hành vi thích ứng ở cả hai nhóm đều tăng lên. Tuy nhiên kết quả trong nhóm thực nghiệm có mức độ tăng cao hơn nhóm đối chứng, nhất là về hai lĩnh vực vận động và hành vi thích ứng. Kết quả tương quan cả hai nhóm qua hai lần đo cho thấy, trẻ trong nhóm thực nghiệm có khả năng thích ứng cao hơn khi có sự khác biệt về hệ số xác suất lớn hơn nhóm đối chứng. Khi tiến hành so sánh T-test về mức độ phát triển của trẻ trong từng lĩnh vực cụ thể ở cả hai nhóm, kết quả cho thấy nhóm thực nghiệm phát triển tốt hơn nhóm đối chứng ở các lĩnh vực: ngôn ngữ diễn đạt, vận động tinh, diễn đạt cảm xúc và những hành vi vận động đặc trưng. Như vậy, có thể thấy, xét trên tổng thể mức độ phát triển về giao tiếp, vận động và hành vi thích ứng, sau chương trình, kết quả test bằng trắc nghiệm PEP-3 của trẻ đều tăng lên. Đồng thời, sau thực nghiệm, các lĩnh vực cụ thể cũng có điểm số tăng hơn so với trước, và ở một số lĩnh vực cũng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Kết quả phân tích ANCOVA giữa nhóm đối chứng và thực nghiệm cho thấy nhóm đối chứng có mức độ thiếu hụt ở lĩnh vực tự chăm sóc bản thân và hành vi thích nghi cao hơn nhóm thực nghiệm.

Kết quả trắc nghiệm VINELAND II cho thấy: các lĩnh vực về năng lực hành vi thích ứng như giao tiếp, kỹ năng sống hàng ngày, xã hội hóa và vận động của nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng cùng ở mức độ thấp như nhau trước khi thực nghiệm. Sau quá trình thực nghiệm, các lĩnh vực năng lực hành vi thích ứng như giao tiếp, kỹ năng sống hàng ngày, xã hội hóa và vận động đều tăng lên so với trước, và sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê. Tương tự, khi so sánh ở nhóm đối chứng, kết quả cho thấy mặc dù điểm trung bình tất cả các lĩnh vực của nhóm đối chứng sau thực nghiệm có tăng hơn so với trước, nhưng sự khác biệt này hoàn toàn không có ý nghĩa thống kê. Tiến hành phân tích ANCOVA kết quả đo trước – sau thực nghiệm của hai nhóm về từng tiểu mục của Vineland II, chúng tôi thấy rằng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm trong tiểu mục như ngôn ngữ tiếp nhận, gia đình, và thời gian chơi. Ở những mục này, nhóm thực nghiệm đều có khả năng tốt hơn so với nhóm đối chứng sau thời gian thực nghiệm.

[1] Eric Scholer, Margaret D. Lansing, Robert J. Reichler, Lee M. Marcus (2005), Psychoeducational Profile – Third Edition,  Pro – Ed, Inc, America, Tr 12

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN


Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Ngô Xuân Điệp đã có 10 năm thăm khám trị liệu tâm lý tại khoa tâm lý, Bv nhi đồng 2 và 12 năm là giảng viên tại khoa tâm lý – Đai học Khoa học và Xã Hội Nhân Văn. Kinh nghiệm 22 năm thăm khám, đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ.