Những cơn giận dữ thường xuất hiện nhiều ở trẻ tập đi và tuổi mẫu giáo. Trẻ ở độ tuổi này thường hay cáu gắt, các bé rất dễ nổi cáu la hét, khóc lóc, ăn vạ,… sự nổi nóng và tức giận thường xuyên ở trẻ có thể gây rắc rối ở trường học, trong gia đình hay là trong giao tiếp với bạn bè và người thân. Vì vậy, hướng dẫn trẻ kiểm soát cơn tức giận là việc rất quan trọng góp phần giúp trẻ kiềm chế được những cơn tức giận và tránh những hành động tiêu cực không đáng có xảy ra.

Giận dữ là một cảm xúc bình thường của con người, xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát cơn giận dữ có thể biến thành sự hung hăng. Đây là nguyên nhân gây ra các rắc rối sinh lý và là mầm mống của những hành vi tiêu cực.
Kiểm soát cơn tức giận không có nghĩa là sẽ bắt trẻ không bao giờ được tức giận hoặc trẻ chỉ giữ sự tức giận trong lòng và không thể hiện điều đó. Mà chúng ta sẽ dùng các cách khác nhau để kiểm soát cơn tức giận của trẻ như:
– Tìm hiểu được những nguyên nhân gây ra cơn giận dữ cho trẻ.
– Nhận biết được khi nào là trẻ đang tức giận.
– Hướng dẫn trẻ các cách đối phó với sự tức giận theo hướng lành mạnh, tích cực.

Các phương pháp nhằm hướng dẫn trẻ kiểm soát được cơn giận:
Dạy trẻ nhận biết cảm xúc và bày tỏ cảm xúc
Trẻ thường tức giận khi không thể diễn tả cảm xúc của mình hay khi bố mẹ không đáp ứng được những nhu cầu của trẻ. Vì vậy, hãy bắt đầu dạy trẻ những cảm xúc cơ bản như vui, buồn, giận, sợ,… Trẻ càng bày tỏ được nhiều cảm xúc bao nhiêu thì nguy cơ bùng nổ cơn giận càng thấp bấy nhiêu. Để giúp trẻ học cách hiểu được tâm trạng của chính mình, cha mẹ hay thầy cô nên gợi ý để trẻ diễn tả cảm xúc, bắt đầu từ những lúc trẻ vui vẻ, hạnh phúc hay đến khi trẻ cáu giận.
Dạy trẻ một số kỹ năng để trẻ kiềm chế được cơn giận
Một trong những cách tốt nhất để giúp kiềm chế được cơn giận là dạy trẻ những kỹ năng cụ thể khi tức giận:
- Khi trẻ tức giận dạy trẻ đếm từ 1 đến 10 hoặc lặp lại những câu nói giúp tinh thần trẻ được tốt hơn
- Hướng dẫn trẻ cách giữ bình tĩnh: Hít thở thật sâu và chậm. Để cơ thể ở tư thế thoải mái, hạn chế co các cơ lại, nhất là các cơ ở mặt hoặc cho trẻ đi dạo hoặc ngồi ở một phòng yên tĩnh trong khoảng từ 5 đến 10 phút. Làm vậy để trẻ nghĩ lại vấn đề khiến trẻ khó chịu bực tức và bình tĩnh hơn.
- Chuyển hướng cơn giận: giúp trẻ nghĩ về một chuyện khác để qua cơn tức giận như gợi ý cho trẻ những trò chơi mà trẻ yêu thích như thổi bong bóng, nặn tượng, xếp hình….
- Hướng dẫn trẻ thể hiện cảm xúc tức giận bằng lời nói thay vì những hành động bạo lực như la hét, ném đồ vật, đánh cắn những người gần trẻ

Không quá nhân nhượng với trẻ khi trẻ nổi giận
Thi thoảng trẻ sẽ làm ầm lên để bố mẹ chiều theo ý chúng. Nếu một đứa trẻ mỗi lần khóc, quấy rối sẽ được nhận một món đồ chơi để giữ im lặng, trẻ sẽ biết mình quấy phá vậy là có tác dụng. Sự nhân nhượng đó của chúng ta sẽ trấn an được trẻ trong thời gian ngắn, nhưng về lâu về dài, vấn đề sẽ trở nên tệ hơn và trẻ cũng dai dẳng hơn.
Phạt trẻ khi cần thiết
Dạy dỗ trẻ thường xuyên để trẻ hiểu rằng chúng không được quá quấy phá hay hỗn hào. Nếu trẻ làm sai bạn nên phạt chúng. Phạt úp mặt vào tường hoặc tước đi những món đồ chơi trẻ yêu thích là hai phương pháp phạt con hiệu quả. Nếu trẻ tức giận đập vỡ thứ gì, hãy bắt trẻ xin lỗi và sửa món đồ đó hoặc làm việc nhà để bù lại cho món đồ bị đập hư. Nếu trẻ chưa khắc phục hậu quả sẽ không trả lại món đồ chơi mà trẻ yêu thích.
Không để trẻ tiếp xúc với những hình ảnh bạo lực
Trẻ con rất dễ học theo những gì chúng nhìn thấy. Vì vậy, nếu trẻ dễ bực bội và nóng giận, tuyệt đối không để cho trẻ đọc những truyện tranh, các chương trình có chứa các hình ảnh bạo lực hay chơi những trò chơi có yếu tố bạo lực. Thay vào đó cho trẻ đọc sách, chơi trò chơi và xem chương trình có kĩ năng giải quyết mâu thuẫn lành mạnh.
Nếu cha mẹ nhận thấy cơn giận dữ của trẻ vượt quá khả năng kiểm soát, ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ gia đình và bạn bè của trẻ thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý sẽ giúp trẻ học cách thay đổi tư duy và phản ứng, từ đó cải thiện hành vi của mình.