TÌNH HÌNH TỰ KỶ HIỆN NAY TRÊN THẾ GIỚI

Bệnh tự kỷ đã được mô tả từ những năm 40 của thế kỷ 20, nhưng cho đến nay vẫn được coi là điều mới mẻ với nhiều người, thậm chí cả với những nhân viên làm trong ngành y tế. Khi mà chúng ta còn đang mơ hồ về nó thì hàng ngày bệnh tự kỷ vẫn tấn công chúng ta với quy mô không nhỏ. Với khái niệm tự kỷ theo nghĩa cổ điển cách nay 10 năm, chứng tự kỷ là một bệnh hiếm gặp, tỉ lệ khoảng từ 4-6 trẻ trong 10000 dân. Nhưng theo các nghiên cứu gần đây của bộ giáo dục Hoa Kỳ cho thấy tỉ lệ đáng lo ngại, cứ 150 trẻ em được sinh ra sẽ có 1 trẻ bị tự kỷ. Khái niệm “dịch tự kỷ” đã xuất hiện ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và đây cũng là vấn đề thời sự hiện nay trên thế giới.

I. ĐÔI NÉT VỀ KHOA TÂM LÝ, BV. NHI ĐỒNG 2

Khoa Tâm lý BV. Nhi Đồng 2 được thành lập ngày 01-06-2001 do sở y tế và UBND thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí xây dựng. Địa chỉ số 14, Lý Tự Trọng, Quận 1, TP. Hố Chí Minh. Diện tích hơn 1000 m2, trong đó có 10 phòng chức năng với diện tích khoảng 800m2, còn lại hơn 200m2 sân chơi. Nhân viên của khoa từ khi thành lập đến nay dao động ở con số 12 thành viên, trong đó có 2 bác sỹ, 2 cử nhân tâm lý, 1 chuyên viên chỉnh âm, 4 giáo dục viên, 2 điều dưỡng, 1 bảo mẫu, 1 hộ lý. Khoa luôn được tạo điều kiện giúp đỡ từ lãnh đạo bệnh viện. Những bệnh nhân đầu tiên đến khám và trị liệu là những trẻ tự kỷ được giới thiệu từ trung tâm N-T 2, TP. HCM. Từ đó tới nay hàng năm có khoảng từ 150 đến 250 trẻ có rối loạn tự kỷ đến khám tại khoa. Theo thống kê năm 2007 có 212 trẻ với 4.997 lượt khám và điều trị.

II. QUY TRÌNH KHÁM MỘT TRẺ TỰ KỶ VÀ CÁC CÔNG CỤ CHẨN ĐOÁN

Ý thức được tính nghiêm trọng của bệnh tự kỷ nên khoa rất coi trọng công việc chẩn đoán. Trước hết một trẻ đến khám tâm lý phải qua khám sàng lọc bởi bác sỹ nhi khoa chuyên khám ề tâm thần, tại đây trẻ được định bệnh dựa trên các tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM-IV và ICD-10 và chỉ định các xét nghiệm y khoa hay sử dụng hóa dược nếu cần thiết. Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu tự kỷ, bác sỹ sẽ chuyển trẻ đến khám tâm lý, tại phòng quan sát các chuyên viên tâm lý theo dõi các hoạt động của trẻ, sau đó thu thập các thông tin từ cha mẹ trẻ, thấy nghi ngờcó dấu hiệu tự kỷ sẽ tiến hành làm các thang lượng giá như: Denver II, Thang đánh giá hành vi, CARS (Childhood Autism Rate Scales), CHAT (Checklist of Aitism in Toddlers)…

III. THỐNG KÊ MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ CỦA TRẺ TỰ KỶ KHÁM TẠI KHOA TÂM LÝ BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 2

Chúng tôi tiến hành thống kê trên 90 hồ sơ trẻ từ 3 đến 6 tuổi đã được chẩn đoán tự kỷ tại khoa với những đặc điểm tâm lý như sau:

IV.MÔ HÌNH TRỊ LIỆU TRẺ TỰ KỶ

1. TRỊ LIỆU NHÓM

Do trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn về giao tiếp, tương tác xã hội, nên trị liệu nhóm là hoạt động hết sức cần thiết. Trước đây khoa có 4 nhóm với 4 cô giáo, mỗi nhóm có từ 3 đến 5 trẻ. Chương trình giáo dục được xây dựng bởi giáo viên và một bác sỹ hay cử nhân tâm lý phụ trách nhóm trị liệu. Hàng tuần họp chuyên môn nhóm trị liệu và hàng tháng họp chuyên môn khoa. Các phụ huynh sẽ gặp người phụ trách nhóm khi có nhu cầu hoặc theo lịch hẹn. Chương trình học tập tập trung chủ yếu vào Hoạt động trị liệu; Chương trình giáo dục đặc biệt; Huấn luyện kỹ năng sống… Hiện nay trị liệu nhóm không được thực hiện tại khoa, do tình hình thực tế có nhiều trẻ muốn được trị liệu tại đây, trong khi khoa không đủ khả năng nhận tất cả các trẻ có nhu cầu trị liệu học bán trú cả ngày, vì lý do đó khoa quyết định chuyển từ hình thức trị liệu nhóm sang hình thức trị liệu theo giờ, quyết định này giúp nhiều trẻ có cơ hội trị liệu hơn.

2. TRỊ LIỆU THEO GIỜ

Theo các chuyên gia về trẻ tự kỷ, trẻ nên được trị liệu bán thời gian và tham gia vào nhiều hoạt động trị liệu khác nhau sẽ tốt hơn cho trẻ, sự phối hợp nhiều phương pháp giúp trẻ có nhiều cơ hội cải thiện hơn là chỉ trị liệu với một vài phương pháp nhất định. Trị liệu theo giờ tại khoa tâm lý tiến hành trên từng trẻ với mô hình tương tác một đối một giữa cô giáo và trẻ. Mỗi trẻ sẽ được trị liệu 45 phút đến một tiếng/1 ngày, một tuần thực hiện từ 2 – 4 lần. Chương trình chính sẽ được thống nhất giữa cô giáo và các chuyên viên trị liệu.

3. TRỊ LIỆU TÂM LÝ

Hầu hết trẻ tự kỷ đều ít nhiều có cảm giác lo sợ vì trẻ không hiểu nhiều vế thế giới xung quanh, đặc biệt là những hoàn cảnh và đồ vật mới lạ. Những lo sợ này càng khiến trẻ xa lánh mọi người và thế giới xung quanh, thu mình vào thế giới riêng của mình. Do đó trong các hình thức can thiệp cho trẻ tự kỷ nên có trị liệu tâm lý. Qua hoạt động trị liệu này giúp trẻ tiếp cận thế giới đồ vật (đồ chơi) theo cách an toàn, ít cảm thấy nguy hiểm hơn (khi trong phòng trị liệu), đồng thời với những kỹ năng nâng đỡ, khơi gợi giúp trẻ tự tin khám phá. Trẻ sẽ làm việc với một chuyên viên tâm lý trị liệu. Thời gian từ 1 – 2 lần / một tuần, mỗi lần 45 phút. Chương trình trị liệu do người trị liệu đặt ra trên cơ sờ giám sát của các đồng nghiệp trong khoa thông qua giao ban vào buổi sáng hay họp chuyên môn hàng tuần, hàng tháng.

4. CHỈNH ÂM

Đa số trẻ tự kỷ có vấn đề nghiêm trọng trong phát triển ngôn ngữ, do đó trị liệu ngôn ngữ cho trẻ là hết sức quan trọng. Tại Khoa Tâm lý có một chuyên viên trị liệu ngôn ngữ làm việc trên trẻ chậm nói và trẻ tự kỷ. Hình thức trị liệu có thể theo nhóm hay trị liệu cá nhân tùy theo khả năng và mức độ bệnh của trẻ. Thông thường số lần trị liệu từ 1 – 2 lần một tuần, nhưng cũng có trẻ nhiều lần hơn tùy theo tính chất bệnh của trẻ. Thời gian một lần trị liệu là 45 phút, có thể ít hơn hoặc nhiều hơn tùy theo phiên trị liệu. Thông thường trị liệu cá nhân một lần một bé, nhưng cũng có khi hai, ba bé cùng trị liệu một lúc.

5. COMPUTER

Hầu hết trẻ tự kỷ đều rất thích máy vi tính và có khả năng trong việc học trên máy vi tính. Nhận thấy vấn đề này khoa tâm lý trang bị 4 máy vi tính và các phần mềm phục vụ cho hoạt động học tập và hướng dẫn chuyên môn cho phụ huynh. trong giờ học vi tính cô giáo sẽ lựa chọn cho trẻ những phần mềm thích hợp với khả năng phát triển trí tuệ. Hướng dẫn nhẹ nhàng và khuyến khích hợp tác được ưu tiên.

6. HƯỚNG DẪN TRỊ LIỆU TẠI GIA ĐÌNH

Ngoài các hình thức trị liệu trực tiếp, khoa tâm lý còn hướng dẫn chương trình trị liệu tại gia đình

– Đi mẫu giáo: Hòa đồng với các trẻ bình thường và môi trường hoạt động xã hội bình thường thật khó khăn đối với trẻ tự kỷ, đồng thời đây cũng là mong đợi của các bậc phụ huynh và những nhà chuyên môn. Theo các nhà nghiên cứu, hòa nhập cộng đồng là một điều cần thiết đối với những trẻ tự kỷ, ngay cả khi trẻ thờ ơ và không hào hứng với loại hình này. Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 hướng dẫn cho các trẻ nên đi mẫu giáo từ 2 – 3 giờ một ngày, đây là hình thức tham gia nhóm giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, hiểu biết các quan hệ xã hội, tham gia với tư cách là thành viên của nhóm, mặc dù mức độ tham gia của trẻ rất hạn chế.

– Hoạt động trị liệu: Do trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong nhận thức bản thân và có nhiều vụng về trong việc phối kết hợp cảm giác vận động. Thông qua hoạt động trị liệu trẻ trẻ sẽ đạt được nhiều điều về khả năng tập trung chú ý, ngôn ngữ, nhận thức và quan hệ xã hội. Trung bình cho mỗi trẻ thực hiện vận động khoảng từ 2 – 3 giờ một ngày, bao gồm các hoạt động như: Đi bộ, chạy bộ, chơi đá banh, nhảy dây, chui vòng, bò, trườn, đạp xe, bơi, giúp việc nhà, đu xà, leo thang, leo dây…với những khuyến khích hợp tác thích hợp.

– Giáo dục đặc biệt: Trẻ tự kỷ cần chương trình học tập thích hợp với khả năng và xu hướng của trẻ. Sau khi được thăm khám và định bệnh cũng như thống nhất phương pháp trị liệu tại gia đình, Phụ huynh có nhiệm vụ tìm một hoặc hai giáo viên (người đã từng học qua các khóa học về chăm sóc , nguôi dạy trẻ như các giáo viên mầm non, chuyên viên giáo dục đặc biệt) để hướng dẫn trực tiếp cho trẻ. Sau đó những người có liên quan được hẹn trở lại khoa Tâm lý, tại đây chuyên viên trị liệu, giáo viên và cha mẹ cùng nhau thảo luận về chương trình và phương pháp học tập của trẻ. Tiếp tục một tuần một lần giáo viên và cha mẹ đến khoa Tâm lý để phản hồi chương trình đã học và xây dựng chương trình mới.

– Hướng dẫn sử dụng máy vi tính tại nhà: Khuyến khích gia đình nên có máy vi tính và các phần mềm hỗ trợ học tập. Thường chương trình này được thức hiện vào buổi tối sau khi đã thực hiện các hoạt động trị liệu khác trong ngày và người hướng dẫn là cha, mẹ trẻ. Thời gian học trên máy vi tính khoảng một giờ/ngày. Các phụ huynh sẽ được hỗ trợ các phần mềm học tập từ khoa Tâm lý. Trong quá trình thực thi chương trình cụ thể tại các gia đình, phần mềm học tập, thời gian học tập có thể thay đội tùy theo cách bố trí của gia đình. Trong chương trình can thiệp tại gia đình, ngoài thời gian ở mẫu giáo trẻ phải được can thiệp trực tiếp với một người hướng dẫn khoảng thời gian từ 5 – 6 giờ một ngày. Trên đây là những hoạt động cơ bản trong trị liệu trẻ tự kỷ tại khoa Tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng 2. Trong tương lai khoa ý thức đây là một bệnh rất khó điều trị cộng với nhu cầu khám và điều trị của người dân ngày càng tăng. Trước tình hình này khoa tập trung vào khâu đào tạo nhân viên và từng bước chuẩn hóa mô hình trị liệu của khoa, trong đó mô hình điều trị “tổng hợp các phương pháp trị liệu” được đưa lên hàng đầu. Với phương châm lĩnh hội tất cả các phương pháp trị liệu trẻ tự kỷ, khoa đang nghiên cứu trên 20 phương pháp trị liệu đang hiện hành trên thế giới nhằm từng bước đưa vào hoạt động tại khoa.

TS. Ngô Xuân Điệp

Khoa Tâm lý, BV. Nhi Đồng 2

Nguồn: http://www.nhidong.org.vn/Default.aspx?sid=17&nid=1330

Trả lời

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN


Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Ngô Xuân Điệp đã có 10 năm thăm khám trị liệu tâm lý tại khoa tâm lý, Bv nhi đồng 2 và 12 năm là giảng viên tại khoa tâm lý – Đai học Khoa học và Xã Hội Nhân Văn. Kinh nghiệm 22 năm thăm khám, đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ.