KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ VỀ CHƯƠNG TRÌNH CAN THIỆP PHỐI HỢP TỪ

GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH

 TS. Ngô Xuân Điệp

Cố vấn chuyên môn Trung tâm HTPTGDHN Tường Minh

Để xem xét một cách toàn diện và khách quan nhất tính khả thi và hiệu quả của chương trình can thiệp phối hợp giữa gia đình và nha trường mà nghiên cứu này xây dựng, chúng tôi tiến hành điều tra bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu nhằm thu thập đánh giá của giáo viên và phụ huynh về chương trình này. Trong đề tài này những phụ huynh và giáo viên chính là những người xây dựng chương trình và can thiệp trực tiếp trên trẻ (với sự hỗ của nhóm nghiên cứu), do đó các đánh giá của họ về chương trình can thiệp phối hợp sẽ khách quan và cụ thể.

2.1. Quan điểm của giáo viên và phụ huynh về chương trình can thiệp phối hợp và vai trò vủa gia đình với sự phát triển của TTK

Nhằm mục đích xác định rõ ràng sự hiểu biết của giáo viên và phụ huynh và gia đình về “chương trình can thiệp phối hợp giữa gia đình và trường chuyên biệt trong can thiệp cho trẻ tự kỷ”, cụ thể là tập tài liệu hướng dẫn can thiệp (trên 600 trang) được nhóm nghiên cứu thiết kế và gửi cho giáo viên và phụ huynh trước khi thực hiện can thiệp. Để đảm bảo cho việc hiểu biết về tập tài liệu cũng như cách thức thực hiện chương trình can thiệp phối hợp, chúng tôi đã có các buổi tập huấn cho giáo viên và phu huynh.

Dữ liệu thu được cho thấy phần lớn phụ huynh và giáo viên đều tự đánh giá mình hiểu rõ chương trình can thiệp phối hợp. Kết quả trình bày trong biểu đồ sau:

 

Biểu đồ trên cho thấy tỉ lệ trả lời hiểu rõ chương trình can thiệp chiếm tỉ lệ cao nhất: giáo viên chiếm 51,4% và phụ huynh chiếm 34,4%. Trái lại, tỉ lệ trả lời thấp nhất thuộc về phương án không hiểu chương trình can thiệp có 5,4% giáo viên và 18,8% phụ huynh trả lời không hiểu chương trình can thiệp. Kết quả này cho thấy giáo viên có sự hiểu biết về chương trình can thiệp tốt hơn phụ huynh. Điều này rất hợp logic, vì giáo viên là những nhà chuyên môn, là những người can thiệp chuyên nghiệp nên việc hiểu và thực hiện chương trình (cho dù chương trình có sự khác biệt với các chương trình hiện hành) rõ ràng và thành thục hơn phụ huynh. Khi hỏi một số giáo viên và phu huynh là “chương trình này có dễ hiểu không”, hầu hết cho rằng:

Lúc đầu mới nhận cuốn tài liệu này không biết chương trình sẽ kết hợp thế nào và họ nghĩ sự kết hợp phải rất phức tạp; tuy nhiên sau khi tập huấn song họ thấy không khó lắm và thú vị hơn vì cách thức kết hợp đơn giản như vậy mà trước nay chưa ai làm.

Với kết quả này, nhóm nghiên cứu đánh giá rất cao tính khả thi của việc thử nghiệm chương trình can thiệp, khi tỉ lệ thông hiểu chương trình chiếm tỉ lệ cao nhất và không hiểu chương trình chiếm tỉ lệ thấp nhất.

Với mục đích muốn biết phụ huynh và giáo viên đánh giá như thế nào về chương trình can thiệp đối với trẻ tự kỷ, nhón nghiên cứu đề xuất câu hỏi: TTK sẽ được hưởng lợi gì từ chương trình giáo dục kết hợp. Câu hỏi này hướng trực tiếp đến những người can thiệp trẻ và gắn bó lợi ích với trẻ. Đa số giáo viên và phụ huynh đều cho rằng trẻ được từ nhiều đến rất nhiều lợi ích về phát triển. Cụ thể, có 89,2% giáo viên và có 87,1% phụ huynh cho rằng trẻ được hưởng nhiều đến rất nhiều lợi ích về phát triển. Khi phòng vấn sâu về chủ đề này, một phụ huynh cho rằng:

Trước đây tôi không biết làm gì với trẻ khi ở nhà, tôi tìm nhiều tài liệu và thông tin trên internet để hỗ trợ trẻ, nhưng do không hiểu rõ, cũng như không có ai chỉ dẫn nên thường không thành công và nản chí. Tuy nhiên khi được cung cấp tài liệu và được hướng dẫn cụ thể, đồng thời các mã liên kết giữa hai chương trình rất rõ ràng trong từng bài học nên tôi hứng thú hơn khi có chương trình làm việc với con ở nhà.

Khảo sát quan điểm của giáo viên và phụ huynh về những lợi ích mà các cách thức tổ chức can thiệp cho trẻ (chỉ tại trường, chỉ tại gia đình, can thiệp phối hợp cả tại trường và gia đình) kết quả cho thấy:

Bảng 17: Quan điểm của giáo viên và phụ huynh về lợi ích mà các cách thức

tổ chức can thiệp đem lại cho TTK

Cách thức Mức độ Giáo viên Phụ huynh
SL % M SD SL % M SD
Trẻ được hưởng lợi gì từ chương trình giáo dục kết hợp Hoàn toàn không hưởng bất cứ lợi ích gì 0 0,0 4,54 0,69 0 0,0 4,29 0,78
Không hưởng bất cứ lợi ích gì 0 0,0 1 3,2
Trung bình 4 10,8 3 9,7
Nhiều lợi ích về phát triển 9 24,3 13 41,9
Rất nhiều lợi ích về phát triển 24 64,9 14 45,2
Chỉ được can thiệp tại trường mà không được can thiệp chương trình tại gia đình Hoàn toàn không hưởng bất cứ lợi ích gì 1 2,7 2,84 0,83 1 3,1 3,38 1,18
Không hưởng bất cứ lợi ích gì 10 27,0 7 21,9
Trung bình 23 62,2 11 34,4
Nhiều lợi ích về phát triển 0 0,0 5 15,6
Rất nhiều lợi ích về phát triển 3 8,1 8 25,0
Chỉ được can thiệp tại gia đình mà không được can thiệp chương trình tại trường Hoàn toàn không hưởng bất cứ lợi ích gì 3 8,1 2,46 0,87 3 9,4 2,34 0,87
Không hưởng bất cứ lợi ích gì 18 48,6 19 59,4
Trung bình 0 0,0 7 21,9
Nhiều lợi ích về phát triển 14 37,8 2 6,3
Rất nhiều lợi ích về phát triển 2 5,4 1 3,1
Can thiệp chương trình tại trường và tại nhà nhưng không có sự kết hợp giữa hai chương trình này Hoàn toàn không hưởng bất cứ lợi ích gì 4 11,1 2,78 1,15 3 10,0 2,67 1,06
Không hưởng bất cứ lợi ích gì 12 33,3 11 36,7
Trung bình 12 33,3 12 40,0
Nhiều lợi ích về phát triển 4 11,1 1 3,3
Rất nhiều lợi ích về phát triển 4 11,1 3 10,0

Ghi chú: M = Điểm trung bình, SD = Độ lệch chuẩn

Nếu trẻ chỉ được can thiệp tại trường mà không được can thiệp chương trình tại gia đình, có 29,7% giáo viên cho rằng trẻ không được hưởng bất cứ lợi ích gì, chiếm tỷ lệ cao nhất là lựa chọn ở mức độ trung bình (có 23 giáo viên, chiếm 62,2%), chỉ có 3 giáo viên (chiếm 8,1%) cho rằng trẻ được hưởng rất nhiều lợi ích khi can thiệp theo cách thức như vậy. Tương tự, với câu hỏi này khi điều tra phụ huynh, kết quả cho thấy có khoảng hơn 1/3 phụ huynh cho rằng cách thức này đem lại nhiều lợi ích về phát triển cho trẻ, và cũng có khoảng gần 1/3 phụ huynh cho rằng nó không đem lại bất cứ lợi ích gì.

Tương tự, nếu trẻ chỉ được can thiệp tại gia đình mà không được can thiệp chương trình tại trường hoặc được can thiệp tại cả hai nơi, nhưng chương trình can thiệp không có sự kết hợp, đa số giáo viên và phụ huynh đều đánh giá cách thức này hoàn toàn không hoặc không đem lại bất cứ lợi ích gì cho trẻ.

Qua đó, có thể thấy, giáo viên và phụ huynh đều cho rằng chương trình can thiệp, giáo dục phối hợp đem lại nhiều lợi ích nhất cho trẻ. Điều này thể hiện qua điểm trung bình được trình bày trong bảng trên, với điểm trung bình đánh giá của giáo viên (M=4,54, SD=0,69) và phụ huynh (M=4,29, SD=0,78) về cách thức này đều cao nhất trong 4 cách thức được đưa ra khảo sát.

Ngoài ra, khi được hỏi về vai trò của gia đình trong sự phát triển của TTK, kết quả cho thấy phần lớn phụ huynh và giáo viên đều cho rằng gia đình giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của trẻ. Cụ thể, có 97,3% giáo viên và 83,9% phụ huynh cho rằng gia đình giúp ích nhiều và rất nhiều cho sự phát triển của trẻ. Một số nhà chuyên môn cho rằng:

Các nhà chuyên môn cho rằng, trẻ tự kỷ có mức độ rối loạn phát triển khác nhau, có trẻ bị rât nặng, có trẻ trung bình và rất nhẹ. Tuy nhiên dù ở mức độ nào thì khiếm khuyết chính là giao tiếp và tương tác xã hội, trong đó con người nói chung phát triển các mối quan hệ xã hội đầu tiên là từ gia đình vơi mối quan hệ đầu tiên với mẹ, với cha và các thành viên khác. Như vậy, khả năng giao tiếp của trẻ không thể phát triển nếu thiếu môi trường gia đình, có thể nói môi trường gia đình là nơi quan trọng nhất để phát triển khả năng giao tiếp của trẻ tự kỷ. Một thuận lợi nữa là văn hoá Việt Nam là văn hoá gia đình – một gia đình có thể có nhiều thế hệ và quan hệ trên cơ sở tình cảm, quan tâm đến nhau (khác phương tây), và đây cũng là điều kiện thuận lợi nữa giúp trẻ tự kỷ phát triển.

2.2. Đánh giá của giáo viên và phụ huynh về chương trình can thiệp phối hợp

Để tìm hiểu về sự đánh giá của phụ huynh và giáo viên đối với chương trình giáo dục kết hợp, chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên khách thể nghiên cứu, tìm hiểu quan niệm của họ về tính công phu của chương trình giáo dục kết hợp mà họ đã thực hiên. Kết quả chung cho thấy hơn 70% giáo viên và phụ huynh đánh giá chương trình này được thiết kế công phu và chỉ có từ 0% đến 3% cho rằng chương trình này thiết kế sơ sài. Kết quả được trình bày cụ thể trong biểu đồ dưới đây:

Đánh giá về chương trình can thiệp phối hợp này một cách cụ thể, chúng tôi thu thập ý kiến đánh giá của giáo viên và phụ huynh về chương trình trên các mặt nội dung, hình thức, tính ứng dụng, triển vọng của chương trình. Ngoài ra, chúng tôi có khảo sát ý kiến của giáo viên và phụ huynh về ý nghĩa của chương trình cũng như đề tài nghiên cứu này. Với những gì phụ huynh và giáo viên (thực nghiêm trên trẻ) đã thấy và trải nghiệm, có thể họ là người có cách nhìn rõ ràng nhất và khách quan nhất, họ là những người đầu tiên được tiếp cận chương trình này.

  1. Đánh giá về nội dung của chương trình
Một giáo viên sau khi tiếp cận chương trình này cho rằng: Chương trình can thiệp có tới gần 1000 tiêu chí, các nội dung trong chương trình rất phong phú, các bước tiến hành can thiệp thật cụ thể, chắc mất rất nhiều thời gian để làm công việc này.

Một phu nhuynh cho rằng: Họ bối rối khi lần đầu tiên nhận tập tài liệu này, do có nhiều nội dung đa dạng, nhóm tác giả phải mất rất nhiều công sức để hoàn thành chương trình này. Tuy nhiên có môt phụ huynh khác cho rằng tập tài liệu còn sơ sài, thô, còn nhiều lỗi chính tả, cần phải tinh chỉnh lại.

Với mục đích tìm hiểu tính liên kết giữa các nội dung của chương trình, mối quan hệ bổ sung giữa các mục trong chương trình. Tính liên kết này là điều kiện thuận lợi cho trẻ chuẩn bị học các mục khác, trong đó có tính liên kết theo chiều dọc và liên kết theo chiều ngang. Chúng tôi cho rằng sự liên kết càng cao thì lợi ích chương trình đem lại cho trẻ càng lớn. Sau khi khảo sát về nội dung trong tài liệu xây dựng chương trình phối hợp giữa gia đình và nhà trường, có 74,3% giáo viên và 71,9% phụ huynh đánh giá chương trình có tính liên kết chặt chẽ và rất chặt chẽ. Tuy nhiên, có 1 phụ huynh và 3 giáo viên đánh giá nội dung chương trình chưa có tính liên kết. Ngoài ra, có 17,1% giáo viên và 25,0% phụ huynh đánh giá tính liên kết ở mức độ trung bình. Kết quả khảo sát trên cho thấy, các giáo viên và phụ huynh đánh giá cao sự bổ sung, liên kết với nhau của các nội dung trong chương trình. Một số giáo viên cho rằng:

Tuy chương trình được xây dựng đa dạng, nhiều chủ đề khác nhau nhưng lại có mối quan hệ qua lại với nhau khá chặt chẽ. Các nội dung liên quan với nhau thuộc nhóm các nội dung liên quan đến vận động như: vận động tinh, vận động thô, viết chữ, vẽ… Các nội dung thuộc nhóm phát triển ngôn ngữ như: Bắt chước phát âm, gọi tên, ngôn ngữ nói, ngữ pháp….Nhóm các mục phát triển kỹ năng tương tác xã hội như: tham gia nhóm, nề nếp lớp học, ngôn ngữ nói, xử lý tình huống, biết yêu cầu, ứng xử giao tiếp, khả năng đối thoại….Nhóm các kỹ năng tự phục vụ: tự phục vụ, vệ sinh cá nhân, kỹ năng ăn uống, mặc quần áo….

Xem xét tính liên kết giữa nội dung can thiệp tại nhà và tại trường, kết quả cho thấy 70,3% giáo viên và 83,9% phụ huynh đánh giá nội dung có tính liên kết ở mức tốt đến rất tốt. Bên cạnh đó, có 27,0% giáo viên và 16,1% phụ huynh đánh giá tính liên kết này chỉ ở mức trung bình.

Như vậy với số phần trăm khả cao đánh giá tính liên kế của hai chương trình can thiệp tại nhà và tại trường cho thấy đề tài đã phát huy hiệu quả trong quá trình can thiệp, phần lớn đạt được mcuj đích là “ xây dựng chương trình kết hợp giữa gia đình và trường chuyên biệt trong can thiệp cho trẻ tự kỷ”.

Với nhu cầu tìm hiểu về độ bao phủ của chương trình trong công việc can thiệp, chúng tôi đã khảo sát trên phụ huynh và giáo viên. Chúng tôi cho rằng, tính bao quát của chương trình là mức độ trải rộng của chương trình trên nhiều lĩnh vực khác nhau về phát triển ở trẻ em. Trong đề tài này có tổng cộng 28 lĩnh vực với khoảng gần 1000 tiêu chí khác nhau bao phủ nhiều lĩnh vực phát triển của trẻ. Kết quả thống kê cho thấy phần lớn giáo viên và phụ huynh đánh giá chương trình này có mức độ bao quát về nội dung can thiệp từ rộng đến rất rộng (xem biểu đồ 3).

Kết quả trên cho thấy, các giáo viên và phụ huynh có mức độ đánh giá tương đồng nhau về tính bao quát của chương trình. Ở mức độ bao quát rộng có 48,6% phụ huynh và 37,5% giáo viên lựa chọn; mức độ báo quát rất rộng có 37,5% giáo viên và 32,4% phụ huynh lựa chọn. Ngược lại, ở mức độ bao quát rất hẹp có 3,1% giáo viên và 0% phụ huynh lựa chọn. Con số thống kê này cho thấy cả hai nhóm phụ huynh và giáo viên đếu đánh giá cao tính bao phủ của chương trình can thiệp, trong đó, một số giáo viên cho rằng:

Khi tiếp cận chương trình phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong can thiệp cho trẻ tự kỷ, họ rất thoải mái để xây dựng bài học cho trẻ, vì khi sử dụng tài liệu này có nhiều ý tưởng lựa chon hơn khi lên chương trình, nội dung chương trình rất phong phú.

Do đây là chương trình được hướng dẫn cho phụ huynh, nên nhóm tác giả rất quan tâm đến tính khả thi khi thực hiện chương trình. Để tham khảo về chủ đề này, chúng tôi khảo sát trên nhóm giáo viên và phụ huynh để tìm ra thông tin về tính dễ thực hiện. Chúng tôi cho rằng, tính dễ thực hiện là khả năng làm chủ chương trình cả từ khâu xây dựng ý tưởng, thiết kế chương trình và can thiệp (sau khi đã được tập huấn và tư vấn từ nhóm nghiên cứu). Khảo sát về tính dễ thực hiện của chương trình phối hợp, kết quả thu thập được cho thấy phần lớn giáo viên và phụ huynh đánh giá bộ nội dung chương trình ở mức dễ thực hiện. Kết quả được trình bày trong biểu đồ dưới đây:

Cũng kiểm tra về tính khả thi khi áp dụng chương trình: “các bước xây dựng chương trình can thiệp” phụ huynh và giáo viên tiếp nhận nó như thế nào. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương án trả lời “dễ thực hiện”, nhóm phụ huynh đạt 43,3%, nhóm giáo viên đạt 40,5%. Phương án trả lời “rất khó thực hiện” không có ai lựa chọn cả ở hai nhóm nghiên cứu.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ phụ huynh và giáo viên lựa chọn từ dễ đến rất dễ chiếm 58,3% và 64,6% và tương tự như vậy từ khó đến rất khó lần lượt là 3,2% và 8,4%. Như vậy, hầu hết các giáo viên và phụ huynh đã nắm được các bước hướng dẫn trong chương trình can thiệp tại nhà và tại trường chuyên biệt. Với tư cách là những người trực tiếp thực hiện chương trình, giáo viên và phụ huynh cho rằng, các bước xây dựng trong chương trình can thiệp là dễ thực hiện.

Để đảm bảo thuận tiện cho việc lên chương trình can thiệp, trong mỗi mục lớn chúng tôi xây dựng chương trình theo quy luật từ dễ đến khó. Nội dung 28 mục lớn trong chương trình can thiệp đều tuân theo quy luật này, các mục đầu dễ hơn các mục sau và độ khó tăng dần. VD: mục B1 là dễ nhất, B2 khó hơn và B57 là khó nhất. Để đánh giá mức độ dễ và khó theo quy luật tăng dần, chúng tôi khảo sát trên nhóm giáo viên và phụ huynh. Theo đánh giá của đa số giáo viên và phụ huynh, nội dung và mức độ của chương trình này rất có thứ tự. Điều này thể hiện ở tỷ lệ 75,7% giáo viên và 71,0% phụ huynh đánh giá ở mức có thứ tự và rất có thứ tự. Một số giáo viên cho rằng:

Việc sắp xếp theo thứ tự giúp họ dễ theo dõi và rất thuận lợi cho việc xây dựng chương trình, đặc biệt là mỗi mức độ lại có ký hiệu theo mẫu chữ cái đi kèm với số từ thấp đến cao, tương ứng với số thấp là dễ và số càng cao càng khó.
  1. Đánh giá về hình thức của chương trình

Trước hết, xét về hình thức trình bày trong tài liệu xây dựng chương trình phối hợp giữa gia đình và nhà trường, phần lớn giáo viên và phụ huynh đánh giá ở mức hợp lý, khi có tới 45,9% giáo viên lựa chọn và có 41,9% phụ huynh lựa chọn; Trái lại ở mức rất không hợp lý có 2,7% giáo viên và 3,2% phụ huynh lựa chọn. Như vậy hầu hết các giáo viên và phụ huynh cho rằng hình thức trình bày của chương trình kết hợp giữa gia đình và nhà trường là hợp lý. Kết quả được thể hiện trong bảng 2-A.

Bảng 2 – Đánh giá về hình thức trình bày, độ đọc hiểu và tính phù hợp của chương trình can thiệp phối hợp

A.      Đánh giá của giáo viên và phụ huynh về hình thức trình bày trong tài liệu xây dựng chương trình
STT Khách thế N/C Rất không hợp lý Không hợp lý Trung bình Hợp lý Rất hợp lý
1 Giáo viên 2,7% 8,1% 27% 45,9% 16,2%
2 Phụ huynh 3,2% 6,5% 22,6% 41,9% 25,8%
B.      Đánh giá của giáo viên và phụ huynh về độ đọc hiểu của chương trình
STT Khách thế N/C Không thể hiểu được Khó hiểu Trung bình Dễ hiểu Rất dễ hiểu
1 Giáo viên 0% 2,7% 29,7% 43,2% 24,3%
2 Phụ huynh 3,1% 6,3% 15,6% 43,8% 31,3%
C.       Đánh giá của giáo viên và phụ huynh về tính phù hợp giữa tên chương trình và nội dung chương trình
STT Khách thế N/C Rất không phù hợp Không phù hợp Trung bình Phù hợp Rất phù hợp
1 Giáo viên 0% 0% 21,6% 40,5% 29,7%
2 Phụ huynh 0% 0% 28,1% 25% 46,9%

Về độ đọc hiểu chương trình, đa số giáo viên và phụ huynh đánh giá ở mức dễ hiểu, có tời 43,2% giáo viên và 43,8% phụ huynh lựa chon. Không có giáo viên nào cho rằng chương trình này không thể hiểu được (xem bảng 2 – C). Một số giáo viên cho rằng:

Câu từ, ngôn ngữ trong chương trình can thiệp viết rất dễ hiểu, các bước thiết kế rõ ràng, ai cũng có thể nắm được.

Về tính phù hợp giữa tên chương trình và nội dung chương trình, phần lớn giáo viên và phụ huynh đánh giá ở mức phù hợp và rất phù hợp. Không có bất cứ giáo viên hay phụ huynh nào cho rằng không phù hợp (xem bảng 1 – B).

  1. Đánh giá về tính khả thi, triển vọng ứng dụng của chương trình

Dựa trên những kết quả nghiên cứu đã phân tích ở trên, có thể thấy, chương trình được đánh giá khá tích cực từ phía giáo viên và phụ huynh về cả nội dung và hình thức. Để xem xét khả năng ứng dụng vào thực tế can thiệp cho TTK hiện nay, chúng tôi còn tiến hành thu thập những đánh giá của giáo viên và phụ huynh về tính khả thi, triển vọng ứng dụng của chương trình, nhằm đưa ra kết quả nghiên cứu khách quan, chặt chẽ và thuyết phục hơn.

Đánh giá về những khó khăn và thuận lợi của nhà trường khi thực hiện chương trình phối hợp này, kết quả cho thấy không có bất cứ một giáo viên nào cho rằng rất khó khăn, chỉ có 3 giáo viên đánh giá ở mức khó khăn (chiếm 8,3%), còn 1/2 số giáo viên được hỏi thấy rằng có khó khăn và thuận lợi ở mức trung bình, còn lại có 41,7% giáo viên cho rằng thuận lợi và rất thuận lợi. Tương tự, khi hỏi phụ huynh câu hỏi này, gần 1/2 số người được hỏi đánh giá ở mức độ trung bình, và số phụ huynh đánh giá thuận lợi đến rất thuận lợi cũng rất nhiều (chiếm 45,2%).

Đánh giá về những khó khăn và thuận lợi cho gia đình khi thực hiện chương trình phối hợp này, kết quả cho thấy không có giáo viên nào cho rằng rất khó khăn, nhưng theo đánh giá của chính phụ huynh, có 4 phụ huynh (chiếm 13,3%) cho rằng rất khó khăn. Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy khoảng 1/3 phụ huynh đánh giá ở mức trung bình, khoảng 1/3 phụ huynh đánh giá ở mức thuận lợi và rất thuận lợi (xem biểu đồ 9).

Khảo sát ý kiến đánh giá của giáo viên và phụ huynh về tính ứng dụng của chương trình can thiệp phối hợp này, kết quả cho thấy đa số cho rằng 28 nội dung của chương trình khả thi khi áp dụng:

Hơn nữa, đánh giá về quy mô ứng dụng của chương trình đối với địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sau này, kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn giáo viên và phụ huynh đánh giá chương trình có quy mô ứng dụng ở mức rộng rãi và rất rộng rãi (xem biểu đồ 11).

  1. Đánh giá về ý nghĩa của chương trình

Đánh giá về ý nghĩa nhân văn của chương trình, đa số giáo viên và phụ huynh cho rằng chương trình can thiệp phối hợp này có ý nghĩa nhân văn, kết quả thể hiện trong biểu đồ cho thấy có tới 91,8% giáo viên và 87,6% phụ huynh cho rằng chương trình nhân văn và không ai chọn phương án không nhân văn.

Như vậy, hầu hết các giáo viên và phụ huynh cho rằng chương trình can thiệp này mang tính nhân văn rất cao. Khi phỏng vấn sâu, một một số giáo viên và phụ huynh đã cho rằng:

Chương trình có ý nghĩa rất lớn thể hiện ở việc hỗ trợ hiệu quả cho giáo viên và phụ huynh có tư liệu tham khảo dạy trẻ tự kỷ. Họ cho rằng chương trình cần được hoàn thiện và nhân rộng ra toàn xã hội để các phụ huynh và giáo viên các nơi có thể kết hợp với nhau giúp trẻ tự kỷ.

 

Kết quả nghiên cứu trên giáo viên và phụ huynh cho thấy: do chương trình có độ đọc hiểu cao nên họ hiểu rõ và làm chủ chương trình, lợi ích của chương trình đem lại cho phụ huynh và trẻ tự kỷ là rất lớn, các nội dung trong chương trình được liên kết với nhau khá chặt chẽ, tính bao quát của chương trình cao, hình thức trinh bày phù hợp, chương trình dễ thực hiện. Đánh giá ý nghĩa của chương trình, các giáo viên và phụ huynh cho rằng: chương trình được thết kế công phu, có tính khả thi cao trong ứng dụng, có tính nhân văn cao và có thể áp dụng rộng rãi tại Tp. HCM.

Trả lời

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN


Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Ngô Xuân Điệp đã có 10 năm thăm khám trị liệu tâm lý tại khoa tâm lý, Bv nhi đồng 2 và 12 năm là giảng viên tại khoa tâm lý – Đai học Khoa học và Xã Hội Nhân Văn. Kinh nghiệm 22 năm thăm khám, đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ.