Đã là bố mẹ thì ai trong chúng ta cũng muốn con mình được sinh ra khoẻ mạnh, phát triển bình thường. Thế nhưng, nếu chẳng may phát hiện con có dấu hiệu bất thường về phát triển trí tuệ thì phụ huynh nên làm gì? Sau đây Trung tâm giáo dục Tường Minh sẽ chia sẻ một số lưu ý và giải pháp khi phát hiện con có dấu hiệu bất thường về phát triển trí tuệ.
Sự bất thường về phát triển trí tuệ có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Hay còn được hiểu là phát triển nhanh về trí tuệ và chậm phát triển trí tuệ. Đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ thường có những đặc trưng mà bố mẹ cần biết:

- Cảm giác và tri giác: Trẻ thường chậm chạp, ít linh hoạt, thiếu tích cực trong quan sát. Gặp rắc rối trong việc phân biệt các sự vật hiện tượng. Các biểu hiện này được thể hiện rõ trong phân biệt màu sắc, giống và khác nhau của sự vật hiện tượng, kích cỡ, hình dáng, cấu trúc,..
- Về tư duy: chủ yếu là tư duy cụ thể, ghi nhớ máy móc ( nhớ nhưng chưa hiểu). Trẻ chậm phát triển chỉ ghi nhớ những đặc điểm bên ngoài còn ghi nhớ ý nghĩa hay logic thì cực kì khó khăn.
- Về trí nhớ: Quá trình ghi nhớ không bền vững, chậm nhớ – nhanh quên. So với trẻ bình thường, số lượng đối tượng khác nhau trong trí nhớ ngắn hạn của trẻ này ít hơn hẳn. Trẻ rất khó nhớ được các thông tin mang tính trừu tượng và khi cần hồi tưởng thì trẻ thường nhớ không chính xác hoặc quên thậm chí trong một thời gian rất ngắn. Các em cũng rất khó khăn khi cần tìm những từ diễn tả ý nghĩ của mình và thường trả lời cộc lốc. Trẻ chậm phát triển trí tuệ thường không hiểu được những từ ngữ có tính chất trừu tượng, đặc biệt là trẻ rất khó nắm bắt những khái niệm về các sự vật và hiện tượng xung quanh.
- Về ngôn ngữ: Ngôn ngữ chậm hơn trẻ bình thường cùng độ tuổi khi đến tuổi đi học có vốn từ ít, ít dùng những câu phức tạp, ít dùng liên từ.
Các bậc phụ huynh cần quan tâm, để ý con mình nhiều hơn nhất là khi phát hiện con có dấu hiệu bất thường về trí tuệ. Trước tiên cần tìm hiểu, đánh giá thông tin về trạng thái khuyết tật trí não của trẻ thông qua đa dạng nguồn khác nhau để tìm được bí quyết nuôi dạy hiệu quả nhất. Động viên con thử sức với các điều mới mẻ trong cuộc sống. Hạn chế việc la mắng khi trẻ làm điều không tốt, nên khuyến khích tính độc lập để trẻ có thể học những kỹ năng mới một cách từ từ. Luôn đồng hành và hỗ trợ con khi cần thiết. Nếu trẻ thực hiện tốt hoặc thành công một việc gì đấy, ba mẹ hãy khen thưởng và động viên con. Điều này giúp trẻ có thêm động lực, sự phấn khởi, niềm vui hơn trong những hoạt động này.
Phụ huynh hãy dành nhiều thời gian cho trẻ, đưa trẻ tham dự vào những hoạt động vui chơi ngoài trời hoặc các hoạt động cùng các bạn. Điều này sẽ giúp trẻ cải thiện được khả năng giao tiếp và hành xử xã hội. Luôn theo sát cuộc sống của trẻ và mức độ tiến bộ của trẻ ở trường, ở các hoạt động vui chơi mà trẻ tham gia. Xây dựng một mối quan hệ khắng khít, thân thiết với con, thường xuyên để ý đến các hành vi hung hăng của trẻ. Nếu phụ huynh có thể sắp xếp thời gian, hãy đưa trẻ gặp các chuyên gia để chẩn đoán và lượng giá dưới sự can thiệp và đánh giá của chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong việc giáo dục trẻ em, giúp trẻ vượt qua những cảm giác tức giận, thất vọng và học cách giải tỏa cảm xúc hiệu quả hơn. Phát hiện sớm những khuyết điểm của con và tiến hành can thiệp sớm, giáo dục sớm để kịp thời giúp con khắc phục, thay đổi hành vi đúng chuẩn và phát triển hơn về trí tuệ.
Phụ huynh có thể chủ động tham gia vào các hội nhóm, trung tâm chuyên biệt chia sẻ các kiến thức về nuôi dạy trẻ chậm phát triển. Tham gia cộng đồng cha mẹ có chung hoàn cảnh với mình, vì khi kết nối và tìm hiểu thông tin từ các đơn vị, hội nhóm có cùng mục tiêu tìm hiểu với mình, phụ huynh có thể nhận được nhiều lời khuyên bổ ích hơn, được hỗ trợ về mặt tinh thần, thấu hiểu và có sự đồng cảm chia sẻ trong quá trình nuôi dạy và giáo dục trẻ có vấn đề về chậm phát triển.
Các trẻ có dấu hiệu hoặc được chẩn đoán về chậm phát triển trí tuệ nên được theo học ở một môi trường giáo dục đặc biệt. Việc can thiệp sớm bằng việc cho con học giáo dục đặc biệt nên được tiến hành khi vừa phát hiện ra các biểu hiện về chậm phát triển trí tuệ, sớm nhất là trước khi trẻ được 3 tuổi. Vì ở môi trường giáo dục đặc biệt sẽ có 1 số chương trình can thiệp sớm cho trẻ, tập trung hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng cơ bản và cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, nhận diện được chữ cái và số, kỹ năng giao tiếp thông thường. Hơn thế, việc học đặc biệt trong trường cũng sẽ chỉ dẫn cho các con về các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống hòa nhập. Kết hợp tổ chức các buổi ngoại khóa giúp trẻ tiếp xúc với nhau qua các trò chơi nhỏ. Tuỳ vào mức độ nặng nhẹ để tiến hành các chương trình phụ hợp giúp trẻ dần phục hồi, phát triển bình thường như các bạn cùng độ tuổi.