Tri thức là cội nguồn quan trọng cho một nền văn minh nhân loại và chữ viết được xem như là phương tiện giúp lưu lại những giá trị của nền văn minh đó. Việc học chữ là tiền đề giúp cho con người tiếp cận được tinh hoa tri thức. Thế nhưng, mối quan ngại nhất trong một xã hội phát triển là vấn đề xóa nạn mù chữ. Mù chữ được hiểu là tình trạng người không biết đọc, không biết viết. Các đối tượng bị mù chữ đang rất cần được quan tâm, đặc biệt là trẻ em bị tự kỷ. Quyền được học và biết chữ của trẻ tự kỷ đáng được quan tâm hơn bao giờ hết. 

Mặc dù trên toàn thế giới đã đạt được tiến bộ nhưng những thách thức về việc đọc viết vẫn còn tồn tại, phân bố không đều giữa số dân và quốc gia. Vẫn còn nhiều người, chưa biết đọc và biết viết. Họ bị gạt ra bên lề của xã hội, họ không được hưởng bất kỳ một lợi ích nào của quá trình toàn cầu hóa, nhưng lại phải chịu mọi phí tổn. Họ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, bị lạm dụng và bị vi phạm các quyền con người. Họ có nhiều khả năng bị thất nghiệp và được trả lương ít hơn khi họ có một việc làm. Không có khả năng đọc hay viết, họ không thể thực hiện hết tiềm năng của mình, và những người này luôn bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của nghèo đói, bạo lực và xung đột và có những bất lợi nhất định trong cuộc sống. Vì thế, điều ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với trẻ tự kỷ bởi biểu hiện chung của bệnh tự kỷ bao gồm những khuyết điểm trong ba lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. Đối với cá nhân có sức khỏe bình thường thì vẫn có thể làm việc và lao động được nhưng đối với trẻ tự kỷ sẽ là một vấn đề lớn mà người lớn và xã hội cần quan tâm nhiều hơn và đề ra hướng đi mới để hỗ trợ những trẻ đặc biệt này có một cuộc sống an toàn, được can thiệp giáo dục sớm và hoàn toàn có quyền được học tập và biết chữ. 

(Hình ảnh kỷ niệm ngày Quốc tế xóa mù chữ của Hội khuyến học Việt Nam)

Xóa mù chữ là một thách thức lớn cho sự phát triển của xã hội, là một vấn đề mang tính cấp bách được cả thế giới quan tâm. Hiểu rõ điều đó, UNESCO đã quyết định chọn ngày 8/9 hàng năm làm Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ. Ngày này được kỷ niệm lần đầu tiên vào năm 1966, sự ra đời của Ngày Quốc tế xóa mù chữ với ý nghĩa nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục cho toàn bộ các công dân, toàn cộng đồng và toàn xã hội; Bên cạnh đó, ngày 8/9 còn là sự kiện để kêu gọi toàn cộng đồng thế giới tích cực đẩy mạnh công cuộc xóa nạn mù chữ để mỗi cá nhân được sống và phát triển tốt nhất trong cộng đồng và xã hội. 

Các kỹ năng đọc và viết là điều kiện tiên quyết cho việc học tập rộng hơn các kiến thức, kỹ năng, thái độ và những giá trị cần thiết để tạo ra các xã hội bền vững. Việc xóa nạn mù chữ sẽ mở ra khả năng tiếp cận với giáo dục cho con người. Trên thế giới từ người già, trẻ em, người khuyết tật, người tự kỷ.… ai cũng có quyền được biết chữ, bởi đó là một công cụ quyền lực của cá nhân và là một nhân tố quan trọng để phát triển xã hội và con người. Tuy nhiên đối tượng đã và đang được quan tâm nhất trong công cuộc xóa nạn mù chữ là người bị tự kỷ nói chung cũng như trẻ em tự kỷ nói riêng. Quyền được học tập, biết chữ là một trong những quyền cơ bản của trẻ em. Đây là quyền đương nhiên mà trẻ em được hưởng, mọi trẻ em không phân biệt điều kiện và hoàn cảnh đều được bình đẳng về cơ hội học tập, tạo điều kiện để ai cũng được học hành, được biết chữ và trẻ tự kỷ cũng vậy.

( Hình ảnh bé học viết chữ tại Trung tâm Giáo dục Tường Minh )

Trẻ em mắc chứng tự kỷ điển hình có biểu hiện những khó khăn trong giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, tương tác xã hội và các hoạt động vui chơi. Có những hành vi xa lạ và sở thích kỳ cục, cách ứng xử bất thường với trẻ em xung quanh, gây cản trở hòa nhập xã hội. Điều này càng nhấn mạnh lên quyền được học và phải nâng cao quyền đi học, chất lượng dịch vụ giáo dục của trẻ em khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ. Cần phải ghi vào Luật Trẻ em về quyền được đi học và chăm sóc đặc biệt của trẻ tự kỷ, nghiêm cấm coi trẻ tự kỷ là bị tâm thần, nghiêm trị sự dạy dỗ trong các cơ sở giáo dục bằng đánh mắng, bạo lực,…Các em cũng là một cá nhân của đất nước, các em được quyền đi học như mọi trẻ em khác tuỳ vào mức độ tổn thương của bệnh. Nên sớm hoàn thiện quy chuẩn giáo dục trẻ tự kỷ, đào tạo nâng cao năng lực và trình độ giáo viên dạy trẻ tự kỷ ở các mức độ. Chuẩn hoá tài liệu, giáo trình và loại hình giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng và mức độ.

( Hình ảnh bé học viết chữ tại Trung tâm Giáo dục Tường Minh )

Sinh ra không may mắn mắc chứng tự kỷ đã là một bất lợi rất lớn của một đứa trẻ. Không thể phát triển được bình thường như các bạn đồng trang lứa do những bất thường về phát triển trí tuệ. Do đó trẻ em tự kỷ càng cần nhận được nhiều sự giúp đỡ, quan tâm sâu sắc hơn từ người thân cũng như xã hội để học được chữ thông qua đó mở ra khả năng tiếp cận với giáo dục cải thiện được hiểu biết, kỹ năng sống của trẻ. Qua đó giúp trẻ tự kỷ có thể cải thiện được khả năng giao tiếp và hòa nhập với cộng đồng. Việc xóa nạn mù chữ cho mọi cá nhân trong cộng đồng, xã hội nói chung và cho trẻ em tự kỷ nói riêng, không chỉ mở ra khả năng tiếp cận với giáo dục cho họ mà còn giúp họ cải thiện được cuộc sống, có quyền được sống tự do và bình đẳng.

Trả lời

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN


Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Ngô Xuân Điệp đã có 10 năm thăm khám trị liệu tâm lý tại khoa tâm lý, Bv nhi đồng 2 và 12 năm là giảng viên tại khoa tâm lý – Đai học Khoa học và Xã Hội Nhân Văn. Kinh nghiệm 22 năm thăm khám, đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ.