“ Con tôi bị tự kỷ…”

Đây là câu nói mà chắc hẳn cha mẹ nào cũng không muốn nói ra và cần một khoảng thời gian để chấp nhận sự thật đó. Vậy khi phát hiện con mình mắc tự kỷ ba mẹ mắc phải những khó khăn tâm lý nào?

Tự kỷ là gì?

 Tự kỷ là những “rối loạn căn bản chính là trẻ không đủ khả năng để thiết lập các mối quan hệ bình thường với mọi người và để đáp ứng một cách bình thường với các tình huống, từ giai đoạn đầu đời” – Leo Kanner  (Jean, 2016, tr 59).

 Rối loạn phổ tự kỷ là một trong năm tiểu loại của nhóm bệnh Rối loạn phát triển lan tỏa (Pervasive Developmental Disorders – PDD).  Là căn bệnh được phỏng đoán  có nguyên nhân từ những hoạt động bất thường của hệ thần kinh của người bệnh, dẫn đến khả năng phát triển trên các mặt ngôn ngữ, hành vi và cách ứng xử của cá nhân ấy bị giới hạn, cùn mòn hoặc sai lệch (Alexandra H.Solomon & Beth Chung, 2012, tr 78).

Khi phụ huynh nhận thức rõ bản chất của “tự kỷ” thì việc con mình được xác định mắc chứng này thực sự là một ‘tin dữ’ không dễ chấp nhận ngay được. Tâm lý đón nhận của phụ huynh thường trải qua 5 giai đoạn:

*Chối bỏ: Khi được bác sĩ chẩn đoán mắc tự kỷ thì ban đầu phụ huynh sẽ không chấp nhận và sẽ có xu hướng dẫn con đến các cơ sở y tế khác với hy vọng sẽ có chuẩn đoán khác. Nhiều phụ huynh còn cho rằng con mình không mắc bệnh tự kỷ vì họ nghĩ trẻ tự kỷ thường “ngồi yên một chỗ” không tiếp xúc nhiều với người lạ,… không biết rằng trẻ tự kỷ vẫn có các biểu hiện nghịch ngợm, hiếu động, thậm chí là tăng động mà phụ huynh có thể nhầm lẫn và khó phán đoán chính xác.

* Giận dữ: Sau giai đoạn chối bỏ ban đầu, nhận thấy những dấu hiệu chậm giao tiếp, kém tương tác ở con, nhiều phụ huynh sẽ có cảm xúc giận dữ, bực dọc,… Ba mẹ đổ lỗi, quy trách nhiệm cho nhau vì thiếu sự quan tâm đến con  là nguyên nhân khiến trẻ bị mắc tự kỷ. Bầu không khí của gia đình có thể trở nên căng thẳng, bất hòa và có nguy cơ dẫn đến những đổ vỡ.  Đôi khi, một số người lại giận dữ, trách móc với chính bản thân mình và có mặc cảm tội lỗi, cảm giác thất bại trong việc nuôi dưỡng con. Tự dằn vặt bản thân, trở thành “bóng ma tâm lý” do chính mình tạo ra.

* Thương lượng trả giá: Đi tìm nguyên nhân mà chính cha mẹ cho rằng những yếu tố đó gây nên tình trạng bệnh của trẻ. Hoặc tự dằn vặt bản thân rằng nếu như quan tâm trẻ nhiều hơn thì đã không như vậy,…

* Buồn bã: Sau khi lo lắng, loay hoay tìm cách giải quyết vấn đề, rồi họ cũng phải chấp nhận thực tế rằng con mình mắc tự kỷ. Họ sẽ cảm thấy buồn bã, thất vọng, mệt mỏi và chán nản,…Một số người trở nên trầm mặc hơn, thu mình vào thế giới riêng của họ và việc này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bình thường. Nếu vậy, phụ huynh cần phải được hỗ trợ riêng về tâm lý trong giai đoạn khó khăn này. 

* Chấp nhận: Sau khi trải qua các giai đoạn trên họ đối diện với những gì xảy ra. Chấp nhận tất cả những gì thuộc về con họ. Tình yêu thương  gia đình chính là chất xúc tác cần thiết nhất để phụ huynh đón nhận trẻ như là một quà tặng của cuộc sống. 

(Hình ảnh mang tính chất minh họa)

Khó khăn tâm lý của cha mẹ có con bị tự kỷ  gồm: Khó khăn về chăm sóc sức khỏe, thăm khám, chẩn đoán, trị liệu cho con; khó khăn trong việc xin cho con học và dạy con học; khó khăn trong việc cho con vui chơi, học tập, giao tiếp với trẻ bình thường, khó khăn trong đời sống kinh tế và khó khăn trong các mối quan hệ của con.

Tác giả Lê Thị Phương Nga (2018) trong cuốn hồi ký “Đưa con trở lại thiên đường” cũng nêu ra rất nhiều khó khăn trong suốt quá trình chăm sóc chính con mình là trẻ tự kỷ: khó khăn khi người khác kì thị, đối xử không công bằng với con và với chính bản thân mình; khó khăn khi thiếu các kỹ năng, kiến thức về tự kỷ; khó khăn trong kiểm soát cảm xúc tiêu cực khi tiếp xúc với trẻ (Lê Thị Phương Nga, 2018).

  1. KKTL trong thiếu kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ.
  2. KKTL trong giải tỏa cảm xúc tiêu cực khi biết con mình mắc tự kỷ.
  3. KKTL trong việc đòi hỏi đối xử bình đẳng, không kì thị, xa lánh trẻ tự kỷ.
  4. KKTL trong việc kiếm môi trường và hình thức giáo dục cho trẻ tự kỷ.
  5. KKTL do thiếu thông tin, kiến thức liên quan đến trẻ tự kỷ.
  6. KKTL trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội dành cho trẻ tự kỷ.

Trên cuộc đời này, không có hai cá thể nào hoàn toàn giống nhau. Mỗi người sinh ra đều đặc biệt nhất, có ý nghĩa nhất với cha mẹ. Trên tất cả, tình yêu thương của cha mẹ sẽ là động lực để gia đình vượt qua được những khó khăn trong quá trình đón nhận chẩn đoán và can thiệp cho trẻ. Vì thế, với sự quan tâm của phụ huynh khi đưa con em đến khám tại những cơ sở chuyên môn sẽ là yếu tố quyết định trong việc giúp nhận diện khó khăn ở trẻ và có những biện pháp can thiệp phù hợp, kịp thời cũng như hỗ trợ cho thân nhân một cách toàn diện nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Jean Noel Christine. (2016). Giải thích chứng tự kỷ cho cha mẹ (Thân Thị Mận dịch). NXB Tri thức.

[2] Alexandra H.Solomon – Beth Chung. (2012). Understanding autism: How family therapists can support parents of children with autism spectrum disorder. Family Process, Vol. 51 (No 2), pp. 75-83.

[3] Lê Thị Phương Nga. (2018). Đưa con trở lại thiên đường. NXB Phụ nữ.

Trả lời

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN


Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Ngô Xuân Điệp đã có 10 năm thăm khám trị liệu tâm lý tại khoa tâm lý, Bv nhi đồng 2 và 12 năm là giảng viên tại khoa tâm lý – Đai học Khoa học và Xã Hội Nhân Văn. Kinh nghiệm 22 năm thăm khám, đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ.