Vừa qua trung tâm giáo dục Tường Minh đã thực hiện thành công chương trình đào tạo kết nối Chương trình phối hợp giữa gia đình và trường chuyên biệt trong can thiệp cho trẻ tự kỷ qua kênh trực tuyến Zoom tối Chủ Nhật ngày 23/10/2022. Đây là chương trình đào tạo kết nối đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho các bậc phụ huynh, giáo viên đang quan tâm đến chương trình đào tạo dạy học cho trẻ tự kỷ và hướng dẫn những phương pháp thiết thực khi vận dụng can thiệp. Đối với việc can thiệp trẻ tại trường nhiều bài học giảng dạy chỉ sử dụng trên những dụng cụ mô phỏng và trẻ ít có cơ hội được trải nghiệm thực tế, còn đối với môi trường tại gia đình bé sẽ được tiếp xúc và quan sát những vật dụng thật, hình ảnh thật và khả năng ứng dụng thực tế cao. Vì thế, việc kết hợp giữa chưa trình giáo dục can thiệp tại trường với gia đình có mối liên quan đến nhau và bổ trợ cho nhau rất nhiều. Buổi học đã diễn ra với sự tham gia của đông đảo phụ huynh và trao đổi được rất nhiều thông tin bổ ích, giải đáp phần nào các thắc mắc, băn khoăn của người đăng ký tham gia chương trình.
(Hình ảnh tổng kết chương trình Zoom trực tuyến ngày 23/10/2022)

Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, con người đã chứng kiến những thành quả khoa học to lớn đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống dân sinh; trong đó, trước hết phải kể đến những khoa học liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Cùng với một số chuyên ngành khoa học khác, khoa học Tâm lý, Y học, Sinh học đã và đang góp phần trực tiếp chăm sóc sức khỏe toàn nhân loại. Ngày nay con người đang đứng trước nhiều cơ hội sở hữu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mình, đồng thời xã hội ngày càng cải thiện về chất lượng các hình thức phục vụ, xuất hiện nhiều loại hình chăm sóc sức khoẻ mới phù hợp với nhu cầu, lợi ích hiện đại của con người.       

Tuy nhiên, cùng với những lợi ích trên, con người cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mới đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng như: Ô nhiễm môi trường: chất thải, khí thải, lạm dụng chất hóa học, chất phóng xạ,… Các bệnh cơ thể: bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đại dịch AIDS, cúm gia cầm,… Và những bệnh về tinh thần: mất trí nhớ, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn tăng động kém chú ý, loạn tâm, nhiễu tâm, tự kỷ,… Trong đó tự kỷ là một trong số những bệnh đang gây nhiều chú ý nhất tại thời điểm hiện nay do khoa học chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh cũng như hạn chế về phương pháp điều trị hữu hiệu, đồng thời hội chứng này có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống cá nhân và cộng đồng.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ mắc tự kỷ đang tăng lên. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh  Mỹ (CDC) năm 2014, cứ 68 trẻ em sẽ có 1 trẻ bị rối loạn tự kỷ, cao hơn ước tính năm 2008 khoảng 30% (1 trên 88 trẻ), cao hơn so với năm 2006 khoảng 60% (1 trên 110 trẻ) và cao hơn so với năm 2002 và năm 2000 khoảng 120% (1 trên 150 trẻ). Họ cũng không biết tại sao gây ra sự gia tăng này, có thể là do cách xác định, cách chẩn đoán khác so với trước đây. Theo báo cáo từ Bộ Y tế Trung Quốc (2006), cả nước Trung Quốc có hơn 1,6 triệu trẻ tự kỷ (TTK) và tỷ lệ còn có thể cao hơn nữa vì nhiều trẻ chưa được chẩn đoán kịp thời. Khái niệm “dịch tự kỷ” đã xuất hiện ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Như vậy, TTK chiếm tỷ lệ khá cao trong dân số ở đất nước này.

Ở Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng TTK. Tuy nhiên, một nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của Khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000-2007 cho thấy: số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị Tự kỷ ngày càng đông; số trẻ Tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000; số trẻ Tự kỷ đến điều trị năm 2007 tăng gấp 33 lần so với năm 2000; xu thế mắc Tự kỷ tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004 đến 2007. Theo con số nghiên cứu năm 2007 tại Đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh có 170 trẻ và khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP. Hồ Chí Minh có 212 trẻ TTK đến khám và điều trị.

Do TTK là một dạng rối loạn phát triển và có khiếm khuyết về mặt nhận thức nên người lớn gặp khó khăn khi thâm nhập vào thế giới của các em,  điều này dễ dẫn đến quyền lợi của các em không được đảm bảo. Trong khi đó theo Công ước Quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc năm 1989 và luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Việt Nam năm 2001 đều có chung những ý cơ bản: tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, tôn trọng, giáo dục, vui chơi, phát triển,… như nhau. Như vậy, TTK cũng như các trẻ em khác phải được hưởng những quyền trẻ em, trong đó có quyền được chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần và được giáo dục. Ngoài ra chiếu theo luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Việt Nam, TTK còn được xếp vào đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và được chăm sóc đặc biệt, vì hầu hết TTK gặp khó khăn về nhận thức, khiếm khuyết trong phát triển trí tuệ, gây ra những khó khăn nghiêm trọng trong học tập, giao tiếp và hòa nhập cộng đồng.

Rõ ràng trí tuệ nói chung và nhận thức của TTK nói riêng rất quan trọng, nhưng lĩnh vực này chưa được nghiên cứu một cách hệ thống ở nước ta. Qua thời gian làm việc thực tiễn là thực hiện công tác trị liệu tại Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (từ 2000 đến 2010), cũng như làm cố vấn chuyên môn cho Trường chuyên biệt Bim Bim (từ 2009 đến nay), chúng tôi nhận thấy, can thiệp Tâm lý – Giáo dục cho trẻ tự kỷ đạt được hiệu quả nhất định. Nó giúp cải thiện nhiều về nhận thức, hành vi và quan hệ xã hội cho trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy những tồn tại sau: Một là, nếu chương trình can thiệp chỉ tiến hành ở trường hoặc ở nhà (can thiệp tại nhà) mà không có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường thì những tiến bộ của trẻ còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu có sự phối hợp khoa học giữa hai môi trường này (môi trường giáo dục gia đình và môi trường giáo dục nhà trường) thì khả năng cải thiện của trẻ nhanh hơn, sự tiến bộ bền vững hơn, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng sớm hơn. Hai là, trẻ tự kỷ có khiếm khuyết chủ yếu về ngôn ngữ và giao tiếp mà việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp lại phụ thuộc rất nhiều vào môi trường gia đình. Vì khác với văn hóa phương Tây, văn hóa Việt Nam còn mang đậm nét gia đình truyền thống – gia đình mở rộng (có ông bà, cô, dì, cậu, chú và các cháu). Đây là môi trường giáo dục sẽ rất có lợi cho việc phát triển khả năng ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ tự kỷ. Do đó, việc phát huy hợp lý tiềm năng của gia đình trong can thiệp cho trẻ tự kỷ là lợi thế trong việc can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam (điều này văn hóa phương Tây khó thực hiện được). Đồng thời trong quá trình nghiên cứu tổng quan các chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ, chúng tôi chưa thấy một chương trình nào đạt được sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong can thiệp cho trẻ tự kỷ như nội dung nghiên cứu trong đề tài này. Ý thức rõ tầm quan trọng của sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong can thiệp cho trẻ tự kỷ, chúng tôi đề xuất đề tài Xây dựng chương trình phối hợp giữa gia đình và trường chuyên biệt trong can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đề tài nhằm giúp các bậc phụ huynh, trường chuyên biệt và các trung tâm can thiệp có thêm một chương trình can thiệp, cùng với nhiều chương trình can thiệp khác, chương trình này góp phần ứng dụng can thiệp hiệu quả nhằm nâng cao khả năng hòa nhập xã hội cho trẻ tự kỷ.

Rõ ràng, đây vừa là điểm mới nổi bật của đề tài vừa có tính thực tiễn phù hợp với tình hình xã hội của Việt Nam. Vì cho tới hiện nay, rất nhiều cơ sở thậm chí chưa có đơn vị nào tiến hành trị liệu can thiệp dành cho TTK thực hiện việc phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình như đề tài đưa ra. Tựu trung lại, theo quan điểm của chúng tôi, đồ dùng, môi trường, triết lí, cách thức, người dạy,… có thể khác nhau (can thiệp ở nhà khác can thiệp tại trường) nhưng nội dung, kiến thức trẻ thu được gần như như nhau và chính điều này sẽ hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của trẻ. Vì các em được tác động nhiều lần với sự đa dạng trong tương tác với những hoàn cảnh khác nhau.

Các nghiên cứu cho thấy trẻ tự kỷ có khả năng khá trong việc lĩnh hội các kiến thức trực quan, trẻ nhớ nhanh các ký tự, mẫu chữ, con số, hình ảnh, màu sắc, biểu tượng,… nhưng lại quên rất nhanh. Nguyên nhân là do trẻ tự kỷ chủ yếu ghi nhớ dựa trên nền tảng “trí nhớ máy móc” và rất kém trong nhận thức khái quát nên thiếu kỹ năng liên kết kiến thức với các sự vật hay tình huống hoạt động khác trong cuộc sống – khó khăn trong “nhớ có ý nghĩa” các đồ vật, hình ảnh, biểu tượng, hoạt động,… Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy hầu hết các đồ dùng, giáo cụ dạy học tại các trường học hay trung tâm can thiệp nói chung đều là các ký tự, biểu tượng, hình ảnh, mô hình, chữ viết, số,… mang tính mô phỏng, rất hiếm các đồ vật thật, tình huống thật và chính điều này gây ra sự khó khăn cho trẻ tự kỷ. Để khắc phục vấn đề này, chúng tôi nghĩ đến việc làm sao giúp trẻ tự kỷ có khả năng “nhớ ý nghĩa” các nội dung đã được học. Với mục đích này chúng tôi tiến hành dạy kết hợp bằng cách liên kết các đồ dùng, giáo cụ mô phỏng ở trường với các vật thật trong môi trường sống hàng ngày, liên kết các tình huống hoạt đông mô phỏng tại trường với các tình huống thật trong cuộc sống hàng ngày trên cơ sở cùng một nội dung với mức độ khó tương đương nhau. Ở trường giáo viên là người dạy, còn ở nhà cha/mẹ là người dạy. Cách thiết kế chương trình này giúp trẻ học tại trường trên cơ sở giáo cụ mô phỏng, tình huống mô phỏng và ôn lại ở nhà với các đồ vật thật, tình huống thật, vì bất cứ giáo cụ nào hay tình huống nào ở trường cũng là đồ dùng được mô phỏng từ chính đồ vật thật hay tình huống thật trong cuộc sống hàng ngày.

Như vậy, “Chương trình can thiệp phối hợp giữa gia đình và trường chuyên biệt trong can thiệp cho trẻ tự kỷ” là: cả giáo viên và cha/mẹ trẻ dạy cùng một nội dung ( tính phối hợp), nhưng đồ dùng/phương tiện dạy học khác nhau (ở nhà dạy trên các đồ vật thật, môi trường thật, tình huống thật, quan hệ thật…; còn ở trường là giáo cụ mô phỏng, môi trường mô phỏng, tình huống mô phỏng, quan hệ mô phỏng,….). Hai môi trường giáo dục này kết hợp với nhau sẽ khắc phục tình trạng khó khăn về học tập của trẻ tự kỷ.

NGUỒN TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trung tâm giáo dục Tường Minh (2017), Đề tài nghiên cứu Khoa học: ” Xây dựng chương trình phối hợp giữa gia đình và trường chuyên biệt trong can thiệp cho trẻ tự kỷ ” tại Thành phố Hồ Chí Minh – ngày 4/10/2017.
  2. Hồ Thanh Bình, Phạm Minh Hạc (1978), Tuyển tập các bài báo Những vấn đề lịch sử của tâm lý học, tâm lý học đại cương, tâm lý học thần kinh và tâm lý học sư phạm, Nxb Tiến Bộ.
  3. Trần Văn Công (2013), Các thành tựu nghiên cứu mới về Rối loạn phổ tự kỷ và Tổng quan về các phương pháp điều trị. Kỷ yếu hội thảo tập huấn “Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng ABA trong điều trị tự kỷ” tại Cung thiếu nhi Hà Nội –  ngày 1/12/2013.
  4. Ngô Xuân Điệp (2009), Nhận thức của trẻ tự kỷ Thành phố Hồ Chí Minh, Luận án tiến sỹ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  5. Phan Thiệu Xuân Giang (2016), “Tự kỷ từ phát hiện sớm, chẩn đoán và can thiệp sớm, so sánh các tiêu chí chẩn đoán giữa DSM-IV-TR và DSM-5”, kỷ yếu hội thảo, Xây dựng chương trình phối hợp giữa gia đình và trường chuyên biệt trong can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Trương Xuân Liễu, (1998), ICD-10, Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế, Sở Y Tế TP. Hồ Chí Minh.
  7. Phan Trọng Ngọ,  Nguyễn Đức Hưởng (2003), Các lý thuyết phát triển tâm lý người , Nxb ĐH Sư phạm.
  8. Nguyễn Văn Siêm, Cao Tiến Đức (2011), Dược lý học tâm thần, hóa liệu pháp một số rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên, NXB Y học.
  9. Võ Nguyễn Tinh Vân (2002), Nuôi Con Bị Tự Kỷ, Nxb Bamboo, Australia, tr 80. 
  10. Võ Nguyễn Tinh Vân (2002), Để hiểu chứng tự kỷ, Nxb Bamboo, Australia.
  11. Võ Nguyễn Tinh Vân (2006), Tự Kỷ và Trị Liệu, Nxb Bamboo, Australia.
  12. Bệnh viện Nhi đồng 1 (2008), Tài liệu hội thảo Bệnh tự kỷ ở trẻ em, Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh.
  13. Bệnh viện nhi Trung ương (2004), Hướng dẫn thực hành Denver II, Bộ Y tế, Hà Nội.
  14. Bệnh viện Tâm thần Trung ương (1992), Phân Loại Bệnh Quốc Tế Về Các Rối Loạn Tâm Thần Và Hành Vi, Viện sức khỏe tâm thần, Hà Nội.
  15. Trung tâm Sao Mai & Làng Hữu Nghị Việt Nam (2008), Rối loạn tự kỷ và can thiệp, Kỷ yếu Hội nghị quốc gia lần thứ nhất, Hà Nội.

Trả lời

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN


Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Ngô Xuân Điệp đã có 10 năm thăm khám trị liệu tâm lý tại khoa tâm lý, Bv nhi đồng 2 và 12 năm là giảng viên tại khoa tâm lý – Đai học Khoa học và Xã Hội Nhân Văn. Kinh nghiệm 22 năm thăm khám, đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ.