Điều chỉnh cảm xúc và rối loạn điều chỉnh cảm xúc ở trẻ tự kỷ

449/41 Hẻm 449 Trường Chinh, Phường 14, Tân Bình, TP. HCM
Điện thoại:
logo
Điều chỉnh cảm xúc và rối loạn điều chỉnh cảm xúc ở trẻ tự kỷ
26/03/2025 04:20 PM 57 Lượt xem

    Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder - ASD) là một rối loạn phát triển đặc trưng bởi sự thiếu hụt trong giao tiếp xã hội và sự xuất hiện của các hành vi hạn chế, lặp đi lặp lại [1]. Một trong những thách thức ít được thảo luận nhưng không kém phần quan trọng đối với những người mắc ASD là các khiếm khuyết về chức năng cảm xúc [2], bao gồm điều chỉnh cảm xúc và rối loạn điều chỉnh cảm xúc.

    Điều chỉnh cảm xúc (Emotional Regulation - ER) đề cập đến khả năng theo dõi, đánh giá và điều chỉnh phản ứng cảm xúc theo cách linh hoạt và phù hợp với xã hội, bao gồm việc quản lý cả cường độ và thời gian của phản ứng cảm xúc [3-5]. Theo nghiên cứu, ER bao gồm một loạt các khả năng nhận thức, sinh lý và hành vi cho phép một cá nhân theo dõi và điều chỉnh sự xuất hiện, tính chất, cường độ và biểu hiện của cảm xúc cũng như mức độ kích thích [6-7].

    Rối loạn điều chỉnh cảm xúc (Emotional Dysregulation - ED) liên quan đến những khó khăn trong quá trình điều chỉnh cảm xúc, dẫn đến các phản ứng cảm xúc mãnh liệt, có tính chất tiêu cực, kéo dài và thường không phù hợp với bối cảnh [8]. ED được định nghĩa là sự thất bại trong việc điều chỉnh cảm xúc một cách phù hợp và hiệu quả, và nó có liên quan đến các phản ứng cảm xúc tiêu cực như cáu kỉnh, kém kiểm soát cơn giận, bộc phát cơn giận dữ, hành vi tự gây tổn thương, gây hấn và rối loạn tâm trạng [9-13].

    Điều chỉnh cảm xúc và rối loạn điều chỉnh cảm xúc ở trẻ ASD

    Có khoảng 60% trẻ em và thanh thiếu niên mắc ASD thường gặp khó khăn trong khả năng điều tiết cảm xúc [9]. Các hành vi về cảm xúc có vấn đề bao gồm cáu kỉnh, nóng nảy, hung hăng, hay hành vi tự gây thương tổn thường được quan sát thấy ở trẻ và thanh thiếu niên mắc ASD [10-14], điều này có thể cản trở khả năng thích nghi của trẻ. Một ví dụ cho thấy khả năng hạn chế trong điều tiết cảm xúc ở trẻ mắc ASD là một tổ hợp bao gồm các phản ứng dữ dội trước căng thẳng hoặc sự bùng nổ kéo dài, được gọi theo cách thông dụng là các cơn “meltdown” [15]. ED không phải là một tiêu chí chính thức để chẩn đoán ASD, nhưng đây là một vấn đề phổ biến được các bậc cha mẹ và chuyên gia lâm sàng quan sát thấy.

    Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em và thanh thiếu niên mắc ASD có lịch sử điều chỉnh cảm xúc khác biệt so với những người phát triển bình thường (Typical Development - TD) [16]. Những người mắc ASD có thể biểu hiện sự phản ứng cảm xúc quá mức, thường xuyên sử dụng các chiến lược ER kém thích nghi. Bài tổng hợp các nghiên cứu về ER ở trẻ tự kỷ chỉ ra rằng, trẻ ASD có xu hướng lặp đi lặp lại cùng một kiểu chiến lược giải quyết vấn đề mặc cho cách giải quyết ấy gây ra những kết quả tiêu cực, khác với trẻ thường sẽ tự điều chỉnh chiến lược phản ứng khi nhận thấy điều không đúng [17]. Những khác biệt này trong các chiến lược ER có thể góp phần vào những thách thức về cảm xúc và hành vi mà những người mắc ASD phải đối mặt.

    Các can thiệp phi dược lý đối với ER và ED

    Điều chỉnh cảm xúc và rối loạn điều chỉnh cảm xúc là những lĩnh vực quan trọng cần quan tâm đối với trẻ em và thanh thiếu niên mắc rối loạn phổ tự kỷ. Một số can thiệp phi dược lý đã chứng minh hiệu quả đáng kể trong việc cải thiện cả ER và ED [18]. Liệu pháp hành vi nhận thức, huấn luyện điều chỉnh cảm xúc, can thiệp do cha mẹ thực hiện, huấn luyện kỹ năng xã hội, và các can thiệp dựa trên chánh niệm là một số phương pháp phi dược lý hiệu quả, đã được chứng minh là có thể cải thiện ER và ED ở trẻ em và thanh thiếu niên mắc ASD [19].

    1. Liệu pháp Hành vi Nhận thức (CBT)

    CBT là một phương pháp trị liệu được sử dụng rộng rãi, đã được điều chỉnh cho những người mắc ASD nhằm giải quyết các vấn đề về ER và ED. CBT tập trung vào việc xác định và thay đổi các mô hình suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Liệu pháp này bao gồm các kỹ thuật như tái cấu trúc nhận thức cho trẻ, huấn luyện thư giãn và liệu pháp tiếp xúc [20-21].

    1. Huấn luyện điều chỉnh cảm xúc

    Huấn luyện điều chỉnh cảm xúc liên quan đến việc hướng dẫn cho trẻ mắc ASD các chiến lược cụ thể để quản lý cảm xúc. Điều này có thể bao gồm các kỹ thuật như hít thở sâu, thư giãn các cơ và chánh niệm.

    1. Can thiệp do cha mẹ thực hiện

    Cha mẹ là những người thân gần gũi với trẻ nhất, đóng vai trò quan trọng trong sự hỗ trợ phát triển cảm xúc của trẻ mắc ASD. Can thiệp do cha mẹ thực hiện bao gồm việc đào tạo cha mẹ sử dụng các chiến lược cụ thể để giúp con điều chỉnh cảm xúc. Những can thiệp này có thể bao gồm hướng dẫn cha mẹ cách làm mẫu các chiến lược ER phù hợp, cung cấp hỗ trợ cảm xúc và củng cố các hành vi tích cực của trẻ.

    1. Huấn luyện kỹ năng xã hội

    Huấn luyện kỹ năng xã hội nhằm cải thiện khả năng tương tác xã hội và kỹ năng giao tiếp của những người mắc ASD nói chung. Điều này có thể bao gồm việc truyền đạt các kỹ năng như bắt đầu và duy trì cuộc trò chuyện, hiểu các tín hiệu xã hội và quản lý xung đột. Kỹ năng xã hội được cải thiện có thể dẫn đến ER tốt hơn và giảm ED, vì những người mắc ASD có thể điều hướng các tình huống xã hội và quản lý cảm xúc của họ tốt hơn.

    1. Can thiệp dựa trên chánh niệm

    Các can thiệp dựa trên chánh niệm liên quan đến việc giúp cho những người mắc ASD tập trung vào thời điểm hiện tại và chấp nhận suy nghĩ cũng như cảm xúc của họ mà không phán xét [22]. Các kỹ thuật như thiền chánh niệm và tập trung vào hơi thể có thể giúp những người mắc ASD phát triển nhận thức hơn về cảm xúc của họ và cải thiện khả năng điều chỉnh chúng [23]. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các can thiệp dựa trên chánh niệm có thể dẫn đến sự cải thiện đáng kể trong ER và giảm ED [24].

    Nhận thức về vấn đề rối loạn điều tiết cảm xúc ở trẻ em mắc ASD có thể giúp phụ huynh và những người xung quanh hiểu và tìm ra cách ứng phó với các tình huống khó khăn, cũng như sẵn sàng các nguồn lực hỗ trợ trẻ. Bằng cách tập trung vào việc tăng cường các chiến lược ER thích nghi và giảm các chiến lược kém thích nghi, những can thiệp kể trên có thể giúp những người mắc ASD đạt được kết quả cảm xúc và hành vi tốt hơn, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

     

    Tài liệu tham khảo

    1. C. C. Bell, “DSM-IV: Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders,” JAMA, vol. 272, no. 10, p. 828, Sep. 1994, doi: 10.1001/jama.1994.03520100096046.
    2. C. A. Mazefsky and N. J. Minshew, “The spectrum of Autism—From neuronal connections to behavioral expression,” The AMA Journal of Ethic, vol. 12, no. 11, pp. 867–872, Nov. 2010, doi: 10.1001/virtualmentor.2010.12.11.cprl1-1011.
    3. R. A. Thompson, “EMOTION REGULATION: a THEME IN SEARCH OF DEFINITION,” Monographs of the Society for Research in Child Development, vol. 59, no. 2–3, pp. 25–52, Feb. 1994, doi: 10.1111/j.1540-5834.1994.tb01276.x.
    4. J. J. Gross, “The Emerging Field of Emotion Regulation: An Integrative Review,” Review of General Psychology, vol. 2, no. 3, pp. 271–299, Sep. 1998, doi: 10.1037/1089-2680.2.3.271.
    5. A. Scarpa and N. M. Reyes, “Improving Emotion Regulation with CBT in Young Children with High Functioning Autism Spectrum Disorders: A Pilot Study,” Behavioural and Cognitive Psychotherapy, vol. 39, no. 4, pp. 495–500, Apr. 2011, doi: 10.1017/s1352465811000063.
    6. J. J. Gross, “The Emerging Field of Emotion Regulation: An Integrative Review,” Review of General Psychology, vol. 2, no. 3, pp. 271–299, Sep. 1998, doi: 10.1037/1089-2680.2.3.271.
    7. J. J. Gross and R. A. Thompson, “Emotion regulation: Conceptual foundations,” Handbook of Emotion Regulation, Jan. 2007, [Online]. Available: https://philpapers.org/rec/GROERC
    8. C. A. Mazefsky et al., “The role of emotion regulation in autism spectrum Disorder,” Journal of the American Academy of Child & Adolescent Psychiatry, vol. 52, no. 7, pp. 679–688, Jun. 2013, doi: 10.1016/j.jaac.2013.05.006.
    9. A. C. Samson, A. Y. Hardan, R. W. Podell, J. M. Phillips, and J. J. Gross, “Emotion regulation in children and adolescents with autism spectrum disorder,” Autism Research, vol. 8, no. 1, pp. 9–18, May 2014, doi: 10.1002/aur.1387.
    10. A. C. Samson, O. Huber, and J. J. Gross, “Emotion regulation in Asperger’s syndrome and high-functioning autism.,” Emotion, vol. 12, no. 4, pp. 659–665, Jan. 2012, doi: 10.1037/a0027975.
    11. C. A. Mazefsky, L. Yu, S. W. White, M. Siegel, and P. A. Pilkonis, “The emotion dysregulation inventory: Psychometric properties and item response theory calibration in an autism spectrum disorder sample,” Autism Research, vol. 11, no. 6, pp. 928–941, Apr. 2018, doi: 10.1002/aur.1947.
    12. M. D. Lerner, O. S. Haque, E. C. Northrup, L. Lawer, and H. J. Bursztajn, Emerging perspectives on adolescents and young adults with high-functioning autism spectrum disorders, violence, and criminal law,” Journal of the American Academy of Psychiatry and the Law Online, vol. 40, no. 2, pp. 177-190, 2012.
    13. B. M. Prizant, & A. Laurent, Behavior is not the issue: An emotional regulation perspective on problem behavior—part one of a part-two article,” Autism Spectrum Quarterly, vol. 1, pp. 29–30, 2011.
    14. L. Quek, K. Sofronoff, J. Sheffield, A. White, and A. Kelly, “Co‐Occurring anger in young people with Asperger’s Syndrome,” Journal of Clinical Psychology, vol. 68, no. 10, pp. 1142–1148, Jul. 2012, doi: 10.1002/jclp.21888.
    15. J. Baker, No more meltdowns: Positive strategies for managing and preventing out-of-control behavior,” Future Horizons, 2008.
    16. D. Restoy et al., “Emotion regulation and emotion dysregulation in children and adolescents with Autism Spectrum Disorder: A meta-analysis of evaluation and intervention studies,” Clinical Psychology Review, vol. 109, p. 102410, Feb. 2024, doi: 10.1016/j.cpr.2024.102410.
    17. R. Y. Cai, A. L. Richdale, M. Uljarević, C. Dissanayake, and A. C. Samson, “Emotion regulation in autism spectrum disorder: Where we are and where we need to go,” Autism Research, vol. 11, no. 7, pp. 962–978, Jul. 2018, doi: 10.1002/aur.1968.
    18. S. Cibralic, J. Kohlhoff, N. Wallace, C. McMahon, and V. Eapen, “A systematic review of emotion regulation in children with Autism Spectrum Disorder,” Research in Autism Spectrum Disorders, vol. 68, p. 101422, Aug. 2019, doi: 10.1016/j.rasd.2019.101422.
    19. D. Restoy et al., “Emotion regulation and emotion dysregulation in children and adolescents with Autism Spectrum Disorder: A meta-analysis of evaluation and intervention studies,” Clinical Psychology Review, vol. 109, p. 102410, Feb. 2024, doi: 10.1016/j.cpr.2024.102410.
    20. https://www.ohsu.edu/sites/default/files/2021-02/ASD-Handbook-Vietnamese-Translation
    21. A. Scarpa and N. M. Reyes, “Improving Emotion Regulation with CBT in Young Children with High Functioning Autism Spectrum Disorders: A Pilot Study,” Behavioural and Cognitive Psychotherapy, vol. 39, no. 4, pp. 495–500, Apr. 2011, doi: 10.1017/s1352465811000063.
    22. J. Kabat-Zinn, L. Lipworth, and R. Burney, “The clinical use of mindfulness meditation for the self-regulation of chronic pain,” Journal of Behavioral Medicine, vol. 8, no. 2, pp. 163–190, Jun. 1985, doi: 10.1007/bf00845519.
    23. R. A. Baer, “Mindfulness training as a clinical intervention: A conceptual and empirical review.,” Clinical Psychology Science and Practice, vol. 10, no. 2, pp. 125–143, Jan. 2003, doi: 10.1093/clipsy.bpg015.
    24. V. L. Ives-Deliperi, M. Solms, and E. M. Meintjes, “The neural substrates of mindfulness: An fMRI investigation,” Social Neuroscience, vol. 6, no. 3, pp. 231–242, Sep. 2010, doi: 10.1080/17470919.2010.513495.