Con đặc biệt theo cách của riêng mình

37 Đường 2, Khu Đô Thị Vạn Phúc, Phường Hiệp Bình Phước, Thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại:
logo
Con đặc biệt theo cách của riêng mình
09/10/2024 08:48 AM 106 Lượt xem

    Trong một bài nghiên cứu theo dạng tự đánh giá của trẻ từ 8 - 15 tuổi có rối loạn phổ tự kỷ, trẻ tham gia được yêu cầu trả lời ba câu hỏi sau: “Con thích điều gì nhất ở bản thân?”, “Con giỏi nhất ở việc gì?” và “Điều gì làm con thích thú nhất?”.

    Kết quả có 18.5% trẻ phản hồi rằng có một người bạn hoặc một người nào đó ở bên, 16.8% trẻ trả lời rằng thấy mình giỏi những điều đặc biệt khi được hỏi câu “Con thích điều gì nhất ở bản thân?”. Với câu hỏi “Con giỏi nhất ở việc gì?”, câu trả lời về hoạt động thể chất chiếm 24%, toán và khoa học 15.6%. Cuối cùng, công nghệ và trò chơi điện tử chiếm 50.6%, tương tác xã hội chiếm 34.9% tỷ lệ phản hồi cho câu hỏi “Điều gì làm con thích thú nhất?” [1]. Điều này nói lên rằng nhiều trẻ mắc ASD cũng có những nhu cầu kết nối, khám phá trí tuệ và thể chất, có chăng là trẻ gặp nhiều trở ngại hơn trong việc nhận diện và bày tỏ những mong muốn của mình, bên cạnh thiếu môi trường và công cụ để hỗ trợ trẻ thực hiện những điều đó.

    Bài viết này nhằm giúp cha mẹ phần nào hình dung được những khả năng tiềm tàng ở trẻ, từ đó cân nhắc về những cách thức phát huy chúng để mở ra tiềm năng của trẻ trong việc tham gia, học hỏi cũng như tương tác với thế giới bên ngoài.

    Khả năng đặc biệt của người mắc rối loạn phổ tự kỷ

    Trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ phải trải qua các khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội, cũng như các sở thích và hoạt động bị hạn chế [2]. Chính vì vậy, các nghiên cứu khoa học cũng như cộng đồng thường chú tâm vào các thiếu hụt trẻ gặp phải [3] mà bỏ quên các khả năng tích cực của trẻ. Mặc dù trẻ được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ và gia đình trẻ gặp nhiều khó khăn, nhưng một tỷ lệ đáng kể cho thấy người mắc ASD nói chung có khả năng đặc biệt cũng như khả năng nhận thức vượt trội.

    Các lý thuyết tiêu biểu được đưa ra để giải thích cho những khả năng đặc biệt ở người tự kỷ gồm có: lý thuyết siêu hệ thống hóa [4], lý thuyết đồng nhất trung tâm yếu [5], và lý thuyết chức năng cảm nhận nâng cao [6].

    Hệ thống hóa là khái niệm về việc xây dựng và hiểu các hệ thống, áp dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghệ và toán học. Lý thuyết siêu hệ thống hóa giải thích rằng người mắc ASD có sự chú ý cao độ đến chi tiết [7], trong khi hành vi lặp đi lặp lại giúp người tự kỷ nhận diện và khám phá ra các quy luật, đặc biệt hữu ích trong việc hiểu và phân tích các hệ thống phức tạp. Điều này có thể mang lại lợi ích trong nhiều lĩnh vực như khoa học, công nghệ, âm nhạc [4].

    Lý thuyết đồng nhất trung tâm yếu (hay lý thuyết về sự hạn chế đồng nhất) nói về sự chú ý đến chi tiết của người tự kỷ đồng nghĩa với thách thức trong việc nhận thức tổng thể, nhưng cũng mở ra khả năng mạnh mẽ của họ trong các lĩnh vực cần khả năng chú ý đến chi tiết [5], dẫn đến sự vượt trội tiềm năng trong việc xử lý thông tin cục bộ hoặc tập trung vào chi tiết (ví dụ: tìm các hình tam giác trong một bức tranh tổng thể, tập trung vào các hình nhỏ để tạo thành một chữ cái lớn), ứng với cách hiểu "nhìn thấy cây mà không thấy rừng".

    Tương tự, lý thuyết chức năng cảm nhận nâng cao cũng nhấn mạnh khả năng tập trung vào chi tiết của người có rối loạn phổ tự kỷ, đặc biệt được thể hiện vượt trội trong các nhiệm vụ tìm kiếm liên quan đến thị giác như nhận diện các đối tượng mục tiêu trong mảng thông tin hỗn hợp. Một số nghiên cứu cho thấy rằng khả năng tìm kiếm của họ có thể tốt hơn ở một mức độ nhất định, nhưng không phải lúc nào cũng nhất quán [8]. Các yếu tố như khả năng phân biệt cảm nhận [9] đặc biệt là phân biệt đồng thời nhiều kích thích thị giác cùng xuất hiện, và quy trình chú ý [10] được xem là nguyên nhân nền tảng của khả năng này.

    Tin vào những phẩm chất tốt đẹp của trẻ

    Nhà tâm lý học Maslow [11] và Goodwin [12] đều cho rằng “không có gì thay thế được kinh nghiệm, không có gì cả”. Vì vậy, làm thế nào chúng ta thực sự hiểu về trẻ em trong phổ tự kỷ nếu những kiến thức và chia sẻ không phải từ chính những đứa trẻ đó?

    Nhiều phương pháp đánh giá, bao gồm thang đo phân loại VIA (Values in Action - Phân loại các điểm mạnh) được phát triển bởi hai nhà lãnh đạo nổi bật của phong trào tâm lý học tích cực là Peterson và Seligman [13] đã được sử dụng để xác định điểm mạnh về tính cách ở những cá nhân mắc ASD từ cả góc nhìn của bản thân người mắc ASD và phụ huynh. VIA bao gồm 24 đặc điểm tính cách được phân loại thành sáu nhóm rộng bao gồm: Trí tuệ và Kiến thức, Dũng cảm, Nhân văn, Công lý, Tính ôn hòa, và Siêu việt. Trong một nghiên cứu gồm nhóm 33 người lớn mắc ASD (không có khuyết tật trí tuệ) và 33 người thuộc nhóm đối chứng có dạng điển hình thần kinh (được ghép cặp theo giới tính, độ tuổi và trình độ học vấn) đã tự đánh giá điểm mạnh về tính cách của mình bằng cách sử dụng phân loại VIA [14]. Năm đặc điểm được cả hai nhóm chọn cao nhất là: sự cởi mở, tình yêu học hỏi, sự tò mò, công bằng và tính xác thực.

    Ví dụ khác, Russell và cộng sự [15] đã tiến hành phỏng vấn bán cấu trúc với 24 người lớn mắc rối loạn phổ tự kỷ, hỏi họ những câu như “Có khía cạnh nào của chứng tự kỷ có thể đã mang lại lợi ích hoặc có lợi cho bạn không?” và “Chứng tự kỷ của bạn có khiến bạn đặc biệt giỏi về điều gì không?”. Nghiên cứu này rất đặc biệt về sự đa dạng của người tham gia, bao gồm những người sống độc lập (33,3%), những người sống với người chăm sóc (37,5%), và những người sống trong cơ sở chăm sóc (29,2%). Kết quả từ các phản hồi được chia thành hai loại chính là: sức mạnh nhận thức/giác quan (ví dụ: khả năng “tập trung cao độ” vào một nhiệm vụ cụ thể và chú ý đến chi tiết, trí nhớ xuất sắc) và kỹ năng xã hội (ví dụ: lòng từ bi, sự trung thực). Mặc dù vậy, nhiều người tham gia cũng thừa nhận rằng những phẩm chất tích cực của họ có một "mặt trái" có thể gây ra vấn đề, ví dụ sự chú ý đến chi tiết khi bị đẩy đến mức cực đoan, trở thành sự cầu toàn gây cản trở khả năng hoàn thành công việc đúng hạn.

    Kết quả của cuộc nghiên cứu được nhắc đến ở đầu bài viết và các nghiên cứu tự báo cáo ở trên đã nhắc nhở chúng ta rằng người tự kỷ nói chung và trẻ em tự kỷ nói riêng cũng có những điểm mạnh, sở thích, nhu cầu về tâm lý, lòng tự trọng, và mong muốn khám phá trí tuệ của riêng mình.

    Vai trò của người lớn trong việc đóng góp cho sự phát triển và hòa nhập của trẻ tự kỷ là tạo điều kiện, yêu thương và đồng hành cùng trẻ. Để trẻ có thể tự khai mở tiềm năng của mình, trước hết cần trang bị cho trẻ các công cụ hữu ích và cần thiết như khả năng ngôn ngữ (nghe hiểu, đọc, viết, nói ra nhu cầu và mong muốn,..), khả năng tương tác (đối đáp, cách xây dựng và duy trì những nguồn lực quanh mình), khả năng tự điều tiết cảm xúc và hành vi.

    Để đạt được điều này, các bậc cha mẹ cần:

    • Trang bị kiến thức về rối loạn của trẻ để bản thân có đủ niềm tin và sẵn sàng hỗ trợ con.
    • Sử dụng những nguồn lực từ cộng đồng như người thân, bạn bè, hàng xóm để cùng nhau hỗ trợ và yêu thương con kể cả trong những giai đoạn khó khăn của con cũng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho cha mẹ và chính trẻ.
    • Áp dụng các phương pháp can thiệp sớm nhằm giúp con xây dựng những công cụ, kỹ năng cần thiết để con có thể tự lập và phát triển về sau này cũng là một việc quan trọng mà các bậc phụ huynh cần lưu ý thực hiện càng sớm càng tốt.
    • Cuối cùng, cha mẹ cũng cần quan tâm và chăm sóc bản thân thật tốt, kể cả về cơ thể lẫn tinh thần để cùng con vững bước trên hành trình tương lai.

     

    >> Xem thêm bài viết: Cha mẹ cũng cần được quan tâm

     

    Tài liệu tham khảo

    1. M. Clark and D. Adams, “The self-identified positive attributes and favourite activities of children on the autism spectrum,” Research in Autism Spectrum Disorders, vol. 72, p. 101512, Jan. 2020, doi: 10.1016/j.rasd.2020.101512.
    2. “APA Dictionary of Psychology.” https://dictionary.apa.org/autism
    3. A. W. McCrimmon and J. M. Montgomery, “Resilience-Based Perspectives for Autism Spectrum Disorder,” in Plenum series on human exceptionality, 2014, pp. 375–396. doi: 10.1007/978-1-4939-0542-3_17.
    4. S. Baron-Cohen and M. V. Lombardo, “Autism and talent: the cognitive and neural basis of systemizing,” Dialogues in Clinical Neuroscience, vol. 19, no. 4, pp. 345–353, Dec. 2017, doi: 10.31887/dcns.2017.19.4/sbaroncohen.
    5. F. Happé and U. Frith, “The Weak Coherence Account: Detail-focused cognitive style in autism spectrum disorders,” Journal of Autism and Developmental Disorders, vol. 36, no. 1, pp. 5–25, Jan. 2006, doi: 10.1007/s10803-005-0039-0.
    6. L. Mottron, M. Dawson, I. Soulières, B. Hubert, and J. Burack, “Enhanced Perceptual Functioning in Autism: An Update, and Eight Principles of Autistic Perception,” Journal of Autism and Developmental Disorders, vol. 36, no. 1, pp. 27–43, Jan. 2006, doi: 10.1007/s10803-005-0040-7.
    7. S. Baron-Cohen, E. Ashwin, C. Ashwin, T. Tavassoli, and B. Chakrabarti, “Talent in autism: hyper-systemizing, hyper-attention to detail and sensory hypersensitivity,” Philosophical Transactions of the Royal Society B Biological Sciences, vol. 364, no. 1522, pp. 1377–1383, Apr. 2009, doi: 10.1098/rstb.2008.0337.
    8. P. A. Constable, K. Bailey, A. Beck, D. Borrello, M. Kozman, and K. Schneider, “Effect size of search superiority in autism spectrum disorder,” Clinical and Experimental Optometry, vol. 103, no. 3, pp. 296–306, Jul. 2019, doi: 10.1111/cxo.12940.
    9. Z. Kaldy, I. Giserman, A. S. Carter, and E. Blaser, “The mechanisms underlying the ASD advantage in Visual Search,” Journal of Autism and Developmental Disorders, vol. 46, no. 5, pp. 1513–1527, Oct. 2013, doi: 10.1007/s10803-013-1957-x.
    10. B. Keehn and R. M. Joseph, “Exploring what’s missing: What do target absent trials reveal about autism search superiority?,” Journal of Autism and Developmental Disorders, vol. 46, no. 5, pp. 1686–1698, Jan. 2016, doi: 10.1007/s10803-016-2700-1.
    11. A. H. Maslow, The psychology of science: a reconnaissance. 1966. [Online]. Available: http://ci.nii.ac.jp/ncid/BA20070986
    12. J. Goodwin, “Qualitative research in childhood neurodisability,” Developmental Medicine & Child Neurology, vol. 61, no. 12, p. 1356, Jun. 2019, doi: 10.1111/dmcn.14277.
    13. C. Peterson, M. Seligman, “Character strengths and virtues: A handbook and classifcation”. Washington, DC: American Psychological Association, 2004.
    14. A. C. Samson and Y. Antonelli, “Humor as character strength and its relation to life satisfaction and happiness in Autism Spectrum Disorders,” Humor - International Journal of Humor Research, vol. 26, no. 3, Jan. 2013, doi: 10.1515/humor-2013-0031.
    15. G. Russell, S. K. Kapp, D. Elliott, C. Elphick, R. Gwernan-Jones, and C. Owens, “Mapping the Autistic Advantage from the Accounts of Adults Diagnosed with Autism: A Qualitative Study,” Autism in Adulthood, vol. 1, no. 2, pp. 124–133, Apr. 2019, doi: 10.1089/aut.2018.0035.