Năm 2022, một nghiên cứu về tỷ lệ rối loạn phổ tự kỷ toàn cầu được trích dẫn bởi tổ chức y tế thế giới WHO [1] đã chỉ ra rằng, cứ 100 trẻ em được sinh ra thì có 1 trẻ được chẩn đoán mắc ASD - viết tắt của Autism Spectrum Disorder hay Rối loạn phổ tự kỷ. Tương tự, theo công bố của Tổng cục Thống kê vào năm 2018 [2], Việt Nam có khoảng 1 triệu người mắc ASD, trong đó tỷ lệ trẻ em mắc ASD ước tính là 1% số trẻ sinh ra. Tỷ lệ này ở Việt Nam rất có thể còn tăng lên trong những năm gần đây do sự nhận thức và quan tâm của các bậc phụ huynh cũng như xã hội về ASD đã tăng lên, tuy còn thiếu các dữ liệu thống kê gần.
Đối với những người có rối loạn phổ tự kỷ, nguy cơ chấn thương, bệnh tật và tử vong cao hơn trong số vô vàn vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác [3-6]. Mặc dù ASD được chẩn đoán phân loại là những khiếm khuyết dai dẳng trong giao tiếp và tương tác xã hội, nhưng ngoài những triệu chứng cốt lõi này, ASD còn có liên quan đến các vấn đề xử lý cảm giác và hành vi tự gây thương tích [7-10]. Theo thống kê cho thấy, các hành vi tự làm đau ở trẻ tự kỷ là phổ biến. Tổng hợp trong 31 nghiên cứu với nhóm khách thể cư trú tại châu Âu, Bắc Mỹ, và châu Á từ năm 1999 - 2021 [11] có 29 kết quả cho thấy có sự liên hệ đáng kể giữa rối loạn phổ tự kỷ và hành vi tự làm đau ở cả trẻ em và người lớn, bất kể giới tính. Cụ thể, người mắc ASD có tỷ lệ tự làm đau bản thân cao hơn 2.26 lần so với những người không mắc ASD.
Hành vi tự làm đau bản thân có thể được hiểu là “một loại hành vi, thường lặp đi lặp lại và nhịp nhàng, dẫn đến tổn thương về mặt thể chất cho cá nhân thực hiện hành vi đó” [12]. Khi hành vi này xuất hiện ở người có rối loạn phổ tự kỷ, các nhà tâm lý học xem chúng như hành vi tự gây thương tổn mà không bao gồm mong muốn tự sát hay kích thích tình dục [13]. Các hành vi cố ý gây tổn thương ở trẻ tự kỷ có thể quan sát được như đập đầu vào tường, đánh vào tay, bứt tóc, đánh vào đầu, hất cằm, cắn tay…
Tại sao trẻ tự kỷ lại có những hành vi tự làm đau bản thân?
Dù có thể gây ngạc nhiên, lý do một người có rối loạn phổ tự kỷ tự làm đau mình cũng có sự tương đồng với lý do một người không có rối loạn này tự làm đau bản thân họ. Trong lĩnh vực tâm lý học, các hành vi tự làm đau bản thân có thể được xem là một phương tiện phi ngôn ngữ để tìm sự giúp đỡ khi ngôn ngữ không có sẵn hoặc khi nỗi đau quá sức chịu đựng [14], một “tiếng khóc cầu cứu” tha thiết cần được lắng nghe và thấu hiểu. Khi quan sát các hành vi tự làm đau ở cả trẻ em và người lớn, có thể nhận thấy rằng hành vi này là kết quả của sự khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc tiêu cực, hoặc khó khăn về thể lý, tâm lý [15]. Có nghĩa, đây là một phương thức để trẻ tự kỷ nói lên rằng trẻ không có khả năng điều tiết cảm giác, cảm xúc hoặc giao tiếp, do đó đây là cách duy nhất để trẻ ứng phó với kích thích hoặc tình huống.
Bài báo cáo kết quả nghiên cứu với tựa đề “Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến hành vi rối loạn lo âu ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ”, đăng trong Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam số đặc biệt phát hành năm 2021 [16] đã chỉ ra sự liên quan mật thiết giữa chứng rối loạn lo âu ở trẻ tự kỷ với hành vi tự làm đau bản thân. Trẻ có rối loạn phổ tự kỷ thường được chẩn đoán kèm theo các rối loạn phát triển, thần kinh, tâm thần hoặc các chẩn đoán về y tế khác. Nhiều yếu tố có thể giải thích về nguy cơ tự làm đau ở những người mắc ASD, bao gồm các tình trạng sức khỏe tâm thần đi kèm phổ biến [17-19]. Có khoảng 40% các trường hợp trẻ rối loạn phổ tự kỷ được chẩn đoán mắc ít nhất một chứng rối loạn lo âu [20], [21]. Đây là một trong những rối loạn tâm thần thường hay có nhất và gây nhiều khó khăn cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Rối loạn lo âu cùng xảy ra có thể gây ra đau khổ cấp tính, khuếch đại các triệu chứng cốt lõi của trẻ rối loạn phổ tự kỷ và gây ra những khó khăn về hành vi bao gồm giận dữ, gây hấn, tự gây thương tích. Ngoài ra, sự căng thẳng nội sinh khi trẻ phải tiếp nhận và phản ứng với các kích thích từ môi trường, trong khi nhận thức của trẻ còn hạn chế, khả năng xử lý thông tin kém cũng như rối loạn trong việc xử lý giác quan đã góp phần tạo nên sự lo âu căng thẳng tiêu cực ở trẻ. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc cảm nhận hoặc xử lý các kích thích từ môi trường, và hành vi tự làm đau có thể là cách để trẻ tự điều chỉnh cảm giác của mình.
Để hỗ trợ trẻ, điều tiên quyết là chúng ta cần hiểu rằng hành vi tự làm đau là một phương thức biểu đạt những khó khăn, mong muốn, cảm xúc hoặc nỗi đau của trẻ khi những phương thức khác (như giao tiếp bằng lời, cử chỉ) thất bại. Những thứ mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày đôi khi lại quá ngưỡng chịu đựng với trẻ rối loạn phổ tự kỷ [22]. Nhiều trẻ mắc ASD có vấn đề về ngưỡng cảm giác, trẻ có thể quá nhạy cảm với yếu tố nào đó của môi trường khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, lo sợ, ví dụ như âm thanh, tiếng ồn, ánh sáng, không gian, mùi hương xung quanh. Trẻ có thể biểu hiện sự khó chịu thông qua các biểu đạt cơ thể như bịt tai, lắc đầu, chạy đi tìm nơi trốn,…Nhận ra những sự bất thường sớm trong hành vi của trẻ có thể giúp người chăm sóc chủ động giảm thiểu các tác nhân gây khó chịu cho trẻ, hoặc dẫn trẻ đến nơi trẻ cảm thấy an toàn và được kiểm soát. Để quản lý cảm giác, việc dạy trẻ các kỹ thuật giảm căng thẳng như thư giãn và hít thở sâu, cùng với việc điều chỉnh môi trường để giảm bớt kích thích là rất quan trọng [23].
Hỗ trợ hành vi tự làm đau ở trẻ tự kỷ thường yêu cầu một phương pháp đa dạng và toàn diện. Đầu tiên, việc đánh giá là rất quan trọng để xác định nguyên nhân cơ bản của hành vi này, bao gồm các yếu tố cảm giác, giao tiếp và tâm lý. Chuyên gia tâm lý và nhà trị liệu hành vi có thể giúp phát triển kế hoạch can thiệp phù hợp [25]. Thêm vào đó, việc phát triển kỹ năng xã hội qua các lớp học và hoạt động nhóm có thể giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh [24]. Đảm bảo rằng không có vấn đề sức khỏe cơ bản nào dẫn đến hành vi tự làm đau ở trẻ, và điều trị các vấn đề y tế nếu cần cũng là một phần thiết yếu của can thiệp.
Trong môi trường giáo dục trẻ, ưu tiên sử dụng chương trình TEACCH (Treatment and Education of Autistic and Related Communication Handicapped Children) để cấu trúc hóa môi trường, giúp trẻ phát triển nhận thức và giảm kích thích không mong muốn. Chương trình Tự kỷ TEACCH nhằm mục đích tạo điều kiện học tập thông qua phương pháp giảng dạy trực quan và có cấu trúc, từ đó giúp giảm kích thích thị giác và thính giác có thể gây khó chịu, căng thẳng cho trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Kỹ thuật giao tiếp thay thế khi trẻ gặp khó khăn trong việc biểu đạt bằng ngôn ngữ, chẳng hạn như hệ thống giao tiếp bằng hình ảnh, cũng được chứng minh là giúp trẻ diễn đạt nhu cầu và cảm xúc của mình hiệu quả hơn [26].
Cuối cùng, đào tạo và hỗ trợ gia đình là cần thiết để các bậc phụ huynh có thể hiểu và quản lý hành vi của trẻ một cách hiệu quả. Trong sinh hoạt thường nhật, nên xây dựng môi trường gia đình lành mạnh nơi cha mẹ và những người xung quanh hiểu và hỗ trợ trẻ, nhằm tránh gây căng thẳng và áp lực cho trẻ khiến hành vi tự làm đau càng trầm trọng hơn.
>> Xem thêm: Phương pháp TEACCH trong dạy trẻ tự kỷ
Tài liệu tham khảo:
- J. Zeidan et al., “Global prevalence of autism: A systematic review update,” Autism Research, vol. 15, no. 5, pp. 778–790, Mar. 2022, doi: 10.1002/aur.2696.
- Tổng cục Thống kê. Điều tra quốc gia người khuyết tật Việt Nam năm 2016. 2018. https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/03/Baocao-nguoikhuyet-tat-1.pdf
- L.-C. Lee, R. A. Harrington, J. J. Chang, and S. L. Connors, “Increased risk of injury in children with developmental disabilities,” Research in Developmental Disabilities, vol. 29, no. 3, pp. 247–255, May 2008, doi: 10.1016/j.ridd.2007.05.002.
- S. McDermott, L. Zhou, and J. Mann, “Injury Treatment among Children with Autism or Pervasive Developmental Disorder,” Journal of Autism and Developmental Disorders, vol. 38, no. 4, pp. 626–633, Aug. 2007, doi: 10.1007/s10803-007-0426-9.
- A. Jain et al., “Injuries among children with autism spectrum disorder,” Academic Pediatrics, vol. 14, no. 4, pp. 390–397, Jul. 2014, doi: 10.1016/j.acap.2014.03.012.
- L. G. Kalb, R. A. Vasa, E. D. Ballard, S. Woods, M. Goldstein, and H. C. Wilcox, “Epidemiology of Injury-Related Emergency Department Visits in the US Among Youth with Autism Spectrum Disorder,” Journal of Autism and Developmental Disorders, vol. 46, no. 8, pp. 2756–2763, May 2016, doi: 10.1007/s10803-016-2820-7.
- T. Hirvikoski, E. Mittendorfer-Rutz, M. Boman, H. Larsson, P. Lichtenstein, and S. Bölte, “Premature mortality in autism spectrum disorder,” The British Journal of Psychiatry, vol. 208, no. 3, pp. 232–238, Mar. 2016, doi: 10.1192/bjp.bp.114.160192.
- A. Baghdadli, C. Pascal, S. Grisi, and C. Aussilloux, “Risk factors for self‐injurious behaviours among 222 young children with autistic disorders,” Journal of Intellectual Disability Research, vol. 47, no. 8, pp. 622–627, Oct. 2003, doi: 10.1046/j.1365-2788.2003.00507.x.
- C. Rattaz, C. Michelon, and A. Baghdadli, “Symptom severity as a risk factor for self‐injurious behaviours in adolescents with autism spectrum disorders,” Journal of Intellectual Disability Research, vol. 59, no. 8, pp. 730–741, Jan. 2015, doi: 10.1111/jir.12177.
- E. G. Duerden et al., “Risk Factors Associated with Self-Injurious Behaviors in Children and Adolescents with Autism Spectrum Disorders,” Journal of Autism and Developmental Disorders, vol. 42, no. 11, pp. 2460–2470, Mar. 2012, doi: 10.1007/s10803-012-1497-9.
- A. Blanchard, S. Chihuri, C. G. DiGuiseppi, and G. Li, “Risk of self-harm in children and adults with autism spectrum disorder,” JAMA Network Open, vol. 4, no. 10, p. e2130272, Oct. 2021, doi: 10.1001/jamanetworkopen.2021.30272.
- V. E. Fee and J. L. Matson, “Definition, Classification, and taxonomy,” in Springer eBooks, 1992, pp. 3–20. doi: 10.1007/978-1-4613-9130-2_1.
- N. Minshawi, S. Hurwitz, J. Fodstad, S. Biebl, D. Morris, and C. McDougle, “The association between self-injurious behaviors and autism spectrum disorders,” Psychology Research and Behavior Management, p. 125, Apr. 2014, doi: 10.2147/prbm.s44635.
- G. Shkedy, D. Shkedy, and A. H. Sandoval-Norton, “Treating self-injurious behaviors in autism spectrum disorder,” Cogent Psychology, vol. 6, no. 1, Jan. 2019, doi: 10.1080/23311908.2019.1682766.
- K. Skegg, “Self-harm,” The Lancet, vol. 366, no. 9495, pp. 1471–1483, Oct. 2005, doi: 10.1016/s0140-6736(05)67600-3.
- NT. Dung, NNT. An, “Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến hành vi rối loạn lo âu ở trẻ rối loạn phổ tự kỉ,” Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam. 2021.
- J. Sareen et al., “Anxiety disorders and risk for suicidal ideation and suicide attempts,” Archives of General Psychiatry, vol. 62, no. 11, p. 1249, Nov. 2005, doi: 10.1001/archpsyc.62.11.1249.
- K.-L. Huang et al., “Risk of suicide attempts in adolescents and young adults with attention-deficit hyperactivity disorder: a nationwide longitudinal study,” The British Journal of Psychiatry, vol. 212, no. 4, pp. 234–238, Mar. 2018, doi: 10.1192/bjp.2018.8.
- M. K. Nock et al., “Prevalence, correlates, and treatment of lifetime suicidal behavior among adolescents,” JAMA Psychiatry, vol. 70, no. 3, p. 300, Mar. 2013, doi: 10.1001/2013.jamapsychiatry.55.
- J. R. Cougle, K. R. Timpano, N. Sachs-Ericsson, M. E. Keough, and C. J. Riccardi, “Examining the unique relationships between anxiety disorders and childhood physical and sexual abuse in the National Comorbidity Survey-Replication,” Psychiatry Research, vol. 177, no. 1–2, pp. 150–155, May 2010, doi: 10.1016/j.psychres.2009.03.008.
- R. D. Goodwin, D. M. Fergusson, and L. J. Horwood, “Childhood abuse and familial violence and the risk of panic attacks and panic disorder in young adulthood,” Psychological Medicine, vol. 35, no. 6, pp. 881–890, Aug. 2004, doi: 10.1017/s0033291704003265.
- S. S. Drury, M. M. Sánchez, and A. Gonzalez, “When mothering goes awry: Challenges and opportunities for utilizing evidence across rodent, nonhuman primate and human studies to better define the biological consequences of negative early caregiving,” Hormones and Behavior, vol. 77, pp. 182–192, Jan. 2016, doi: 10.1016/j.yhbeh.2015.10.007.
- G. T. Baranek, “Efficacy of sensory and motor interventions for children with autism.,” Journal of Autism and Developmental Disorders, vol. 32, no. 5, pp. 397–422, Jan. 2002, doi: 10.1023/a:1020541906063.
- N. A. P. Association, Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders. 2013. doi: 10.1176/appi.books.9780890425596.
- A. Klin, W. Jones, R. Schultz, and F. Volkmar, “The enactive mind, or from actions to cognition: lessons from autism,” Philosophical Transactions of the Royal Society B Biological Sciences, vol. 358, no. 1430, pp. 345–360, Feb. 2003, doi: 10.1098/rstb.2002.1202.
- C. M. Hale and H. Tager-Flusberg, “Social communication in children with autism,” Autism, vol. 9, no. 2, pp. 157–178, May 2005, doi: 10.1177/1362361305051395.