Tìm hiểu khó khăn về ngôn ngữ ở trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ

37 Đường 2, Khu Đô Thị Vạn Phúc, Phường Hiệp Bình Phước, Thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại:
logo
Tìm hiểu khó khăn về ngôn ngữ ở trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ
24/10/2024 09:06 AM 61 Lượt xem

    Theo sổ tay hướng dẫn chẩn đoán tâm lý tâm thần (DSM-5), trẻ được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ (ASD) thường có các hạn chế chủ yếu trên các lĩnh vực gồm ngôn ngữ hay khả năng giao tiếp, khả năng tương tác, khả năng chuyển động và sinh hoạt [1]. Trong bài nghiên cứu vào năm 2023 của nhóm tác giả tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã chỉ ra 81,9% trẻ mắc ASD có rối loạn hành vi giao tiếp bất thường [2].

    Biểu hiện khó khăn ngôn ngữ ở trẻ ASD

    Các biểu hiện khó khăn ngôn ngữ nói có thể quan sát được ở trẻ ASD gồm có: Chậm nói (trẻ trên 18 tháng chưa nói được từ đơn), nhại lời, phát âm vô nghĩa (nói những từ không đúng hoàn cảnh, ngữ nghĩa), không biết đặt câu hỏi, không biết tường thuật câu chuyện, nói một cách máy móc,…

    Mặc dù trẻ tự kỷ thường xuất hiện sự chậm trễ hoặc thiếu khuyết khả năng học và phát triển ngôn ngữ, nhưng không có nghĩa mọi trẻ gặp các khó khăn này đều mắc rối loạn phổ tự kỷ. Điển hình, trong DSM-5 cũng có đề cập tới các Rối loạn giao tiếp bao gồm các khó khăn về ngôn ngữ, phát âm, nhưng không bao gồm các khó khăn trong tương tác xã hội và hành vi giống các đặc điểm ở trẻ tự kỷ. Vậy nên, chẩn đoán ban đầu bởi các chuyên gia để phân biệt rối loạn phổ tự kỷ và các rối loạn khác là cực kỳ cần thiết để cho kế hoạch hỗ trợ trẻ về sau.

    Nguyên nhân gây ra khó khăn ngôn ngữ

    Sự thiếu hụt khả năng giao tiếp ở trẻ tự kỷ nói chung được hiểu là trẻ có khả năng nghe, tức là thính giác bình thường, nhưng không hiểu được ý nghĩa của âm thanh [1] (ví dụ trẻ không có phản ứng đáp lại khi nghe gọi tên mình), dẫn đến sự khiếm khuyết trong khả năng tương tác với người khác của trẻ. Không có khả năng tương tác nên trẻ cũng không có khả năng phát biểu ngôn ngữ nói và ngôn ngữ không lời, hệ quả là trẻ không biểu đạt được những ý nghĩ và nhu cầu của mình [1]. Điều này còn có thể khiến trẻ dễ rơi vào cơn khủng hoảng (meltdown) do sự bất lực về ngôn ngữ [3].

    Xu hướng bẩm sinh của trẻ mắc ASD là thay vì giao tiếp và tương tác với mọi người, trẻ chỉ thích chơi và tự nói chuyện một mình, tập trung quá mức vào đồ vật hoặc hoạt động nào đó. Tình trạng này ngoài cản trở sự tập trung chú ý để tiếp thu và phát triển ngôn ngữ của trẻ, còn dẫn tới việc trẻ không có khả năng ghi nhận và hiểu được các ám hiệu, cử chỉ của người đối diện.

    Nghiên cứu trên ảnh chụp MRI của nhiều trẻ mắc ASD chỉ ra rằng trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ có kích thước não lớn hơn, đồng nghĩa với việc dễ gặp khó khăn về ngôn ngữ hơn [4]. Ngoài ra, sự phát triển của các bó chất trắng trong não cũng được xem xét là có liên quan đến những thay đổi trong các đặc điểm tự kỷ. Các nhà nghiên cứu quan sát thấy sự phát triển chất trắng diễn ra chậm hơn ở những trẻ có mức độ tự kỷ nghiêm trọng tăng theo thời gian, và chất trắng phát triển nhanh hơn ở những trẻ có mức độ nghiêm trọng giảm theo thời gian [5].

    Hạn chế về khả năng giao tiếp và tương tác, bên cạnh đó là các thay đổi về sinh học có thể là các nguyên nhân gây ra khó khăn trong việc học và phát triển ngôn ngữ của trẻ tự kỷ.

    Nhiều nghiên cứu, đặc biệt là về trẻ em gặp khó khăn ngôn ngữ và rối loạn hành vi, đã chỉ ra mối liên hệ ổn định giữa rối loạn ngôn ngữ và hành vi trong suốt cuộc đời [6],[7]. Kỹ năng ngôn ngữ sớm không chỉ ảnh hưởng đến các kết quả xã hội và hành vi [6],[8] mà còn là chìa khóa của giao tiếp. Vì thế, giúp trẻ trang bị khả năng ngôn ngữ có thể phần nào phá bỏ rào cản khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội mà chứng tự kỷ mang lại.

    Trị liệu ngôn ngữ cho trẻ

    Trị liệu ngôn ngữ (Speech Therapy) là phương pháp được chứng minh hiệu quả trong can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Nghiên cứu tại phòng ngôn ngữ khoa phục hồi chức năng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chỉ ra rằng, sau 3 tháng can thiệp bằng phương pháp trị liệu ngôn ngữ, mức độ tập trung chú ý và hành vi của trẻ tự kỷ đã cải thiện nhiều so với lúc chưa trị liệu [9] dẫn đến khả năng bắt chước và học ngôn ngữ của trẻ tốt hơn. Kết quả này cũng được ủng hộ bởi các nghiên cứu khác trên trẻ tự kỷ [10]

    Nhà nghiên cứu bệnh học ngôn ngữ Carrie Clark đề cập trong trang web Speech and Language Kids của mình rằng trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ được thiết lập xoay quanh 5 mục tiêu [11]:

    Thiết lập giao tiếp chức năng, tự phát

    Mục tiêu đầu tiên trong việc cải thiện ngôn ngữ cho trẻ mắc chứng tự kỷ là đảm bảo trẻ có thể giao tiếp một cách có chức năng và tự phát, có nghĩa là trẻ cần có khả năng giao tiếp những mong muốn và nhu cầu cơ bản của mình với những người xung quanh mà không cần phải được nhắc nhở (người lớn không cần phải nói "con muốn gì?" hoặc "hãy diễn tả mong muốn của con đi").

    Các kỹ thuật và chiến lược trị liệu cụ thể cho lĩnh vực này sẽ khác nhau tùy thuộc vào trẻ và nhu cầu cá nhân của trẻ. Có những trẻ tự kỷ sẽ nói bình thường nhưng cần được học đúng từ ngữ để sử dụng trong đúng tình huống, một số trẻ sẽ cần phương tiện thay thế để giao tiếp vì trẻ không thể nói. Các phương tiện thay thế trong giao tiếp có thể là thiết bị tăng cường-thay thế phát giọng nói (AAC), hệ thống giao tiếp bằng hình ảnh (PECS), ngôn ngữ ký hiệu.

    Cải thiện giao tiếp xã hội trong suốt cả ngày

    Điều tiếp theo mà tất cả trẻ tự kỷ cần ở một mức độ nào đó là hướng dẫn xã hội. Trẻ tự kỷ thường gặp vấn đề trong việc hiểu hành vi được xã hội chấp nhận. Các con không phải lúc nào cũng biết cách hành động hoặc cư xử trong các tình huống xã hội khác nhau. Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc chuyển các kỹ năng đã học được trong một bối cảnh này sang một bối cảnh khác. Vì lý do đó, trẻ cần rèn luyện các tương tác xã hội ở nhiều nơi hơn là chỉ trong các buổi trị liệu ngôn ngữ. Ngoài các giáo viên can thiệp, gia đình và người chăm sóc trẻ nên tiếp tục hướng dẫn trẻ ở các bối cảnh xã hội khác nhau.

    Cải thiện tương tác với bạn bè

    Trẻ mắc ASD đều phải vật lộn với khó khăn trong tương tác với bạn bè như một phần bản chất của chứng tự kỷ, nên những kỹ năng này cũng phải được dạy trực tiếp. Các kỹ năng khác nhau nên được lập ra để giúp trẻ tùy thuộc vào độ tuổi và trình độ phát triển của trẻ, bao gồm:

    - Đối với trẻ nhỏ: Dạy trẻ cách chơi với những trẻ khác và hòa thuận trong khi chơi; cách đáp lại khi có người gọi tên mình; thiết lập sự chú ý chung để giúp trẻ hòa nhập với mọi người xung quanh.

    - Đối với trẻ lớn hơn: Người hỗ trợ xem xét các kỹ năng xã hội mà trẻ còn thiếu trong quá trình tương tác bình thường với bạn bè và người lớn, sau đó giúp trẻ hiểu cách nhìn nhận vấn đề theo góc nhìn khác

    Phổ biến kỹ năng giao tiếp

    Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc khái quát hóa các kỹ năng. Ví dụ trong giao tiếp, nếu một nhà trị liệu ngôn ngữ - phát âm dạy một đứa trẻ mắc ASD giao tiếp với họ trong phòng trị liệu, điều đó không hẳn là trẻ sẽ bắt đầu giao tiếp với những người khác trong các bối cảnh khác. Thay vào đó, trẻ phải thực hành các kỹ năng giao tiếp giống nhau với nhiều người khác nhau, trong nhiều bối cảnh khác nhau. Cần tạo điều kiện cho trẻ luyện tập giao tiếp ở nhiều môi trường khác ngoài phòng can thiệp/trị liệu để trẻ dần hình thành kỹ năng phản hồi ngôn ngữ và giao tiếp linh hoạt.

    Cải thiện các khuyết điểm nhỏ lẻ

    Khi trẻ bắt đầu tiến bộ về ngôn ngữ và khả năng giao tiếp, chúng ta có thể bắt đầu điều chỉnh một số vấn đề nhỏ hơn như: Lỗi phát âm, lỗi ngữ pháp, các vấn đề đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi, khó khăn với ngôn ngữ tượng hình.

    >> Xem thêm: Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ

    Tài liệu tham khảo:

    1. N. A. P. Association, Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders. 2013. doi: 10.1176/appi.books.9780890425596.
    2. Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Minh Hương, Phạm Tuấn Hằng Nga, Trần Thị Yến Nhi, Phan Thanh Hải, Lê Xuân Hưng, Nguyễn Trọng Hưng, “Tình trạng dinh dưỡng ở trẻ tự kỷ và các yếu tố liên quan tại một số trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ tại Việt Nam năm 2021”, Tạp chí Nhi khoa, 2022.
    3. C. Miller, “Why do kids have tantrums and meltdowns?,” Child Mind Institute, Mar. 05, 2024. https://childmind.org/article/why-do-kids-have-tantrums-and-meltdowns/
    4. D. G. Amaral et al., “In pursuit of neurophenotypes: The consequences of having autism and a big brain,” Autism Research, vol. 10, no. 5, pp. 711–722, Feb. 2017, doi: 10.1002/aur.1755.
    5. D. S. Andrews et al., “A longitudinal study of white matter development in relation to changes in autism severity across early childhood,” Biological Psychiatry, vol. 89, no. 5, pp. 424–432, Oct. 2020, doi: 10.1016/j.biopsych.2020.10.013.
    6. L. Atkinson et al., “Cumulative risk, Cumulative outcome: A 20-Year Longitudinal Study,” PLoS ONE, vol. 10, no. 6, p. e0127650, Jun. 2015, doi: 10.1371/journal.pone.0127650.
    7. W. A. Helland, M.-B. Posserud, and A. J. Lundervold, “Emotional and behavioural function in children with language problems- a longitudinal, population- based study,” European Journal of Special Needs Education, vol. 37, no. 2, pp. 177–190, Dec. 2020, doi: 10.1080/08856257.2020.1857930.
    8. J. C. Chow, E. Ekholm, H. Coleman, Does oral language underpin the development of later behavior problems? A longitudinal meta-analysis”, School Psychology Quarterly, 2018.
    9. Vũ Thị Bích Hạnh (2007), Tự kỷ phát hiện sớm và can thiệp sớm, NXB Y học Hà Nội, 2007.
    10. P. Reed, L. A. Osborne, and M. Corness, “The Real-World Effectiveness of Early Teaching Interventions for Children with Autism Spectrum Disorder,” Exceptional Children, vol. 73, no. 4, pp. 417–433, Jul. 2007, doi: 10.1177/001440290707300402.
    11. C. Clark, “Speech therapy for Autism | Goals and Strategies,” Speech and Language Kids, Feb. 16, 2024. https://www.speechandlanguagekids.com/5-principles-of-speech-therapy-autism/