Ánh mắt của trẻ tự kỷ

37 Đường 2, Khu Đô Thị Vạn Phúc, Phường Hiệp Bình Phước, Thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại:
logo
Ánh mắt của trẻ tự kỷ
07/11/2024 04:15 PM 464 Lượt xem

    Ánh mắt (eye gaze) có chức năng kép trong tương tác xã hội của con người - chúng ta có thể vừa nhận thức thông tin từ ánh mắt của người khác, vừa sử dụng ánh mắt của mình để ra hiệu cho đối phương [1-3].

     Trái ngược với phương thức thính giác khi ta sử dụng tai để nghe nhưng dùng miệng để nói, nhà xã hội học Simmel đã tuyên bố rằng "ánh mắt không thể tiếp nhận trừ khi nó được cho đi cùng lúc" [4]. Điều này khiến mắt trở thành một công cụ mạnh mẽ cho các tương tác xã hội, với chức năng xã hội học độc đáo.  

    Khi nhìn thấy một đôi mắt, chúng ta có thể thu thập thông tin về những gì người khác đang nhìn [5] và dự đoán họ cảm thấy hoặc suy nghĩ như thế nào [6], đồng thời sử dụng đôi mắt của mình để thu hút sự chú ý của người khác một cách có chủ ý [7]. Tùy thuộc vào thời lượng và hướng nhìn, chúng ta cũng có thể nhận thức và truyền đạt nhiều ý nghĩa khác nhau, chẳng hạn như mong muốn giao tiếp [8], mối đe dọa và sự thống trị [9-10], sự lôi cuốn [11-12] hoặc tìm kiếm sự chấp thuận [13-14].

    Những ánh mắt đi lạc

    Vì ánh mắt có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các tương tác xã hội và cho phép trao đổi giao tiếp thành công, nên sự xuất hiện của các kiểu ánh mắt bất thường là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán được sử dụng nhiều nhất cho trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) ngay từ khi còn nhỏ [15]. Trong sổ tay chẩn đoán các rối loạn tâm lý tâm thần DSM-IV-TR, một trong những biểu hiện của rối loạn phổ tự kỷ được miêu tả là “sự suy giảm rõ rệt trong việc sử dụng nhiều hành vi phi ngôn ngữ (ví dụ: nhìn thẳng vào mắt) để điều tiết tương tác xã hội và giao tiếp” [16].

    Các cá nhân mắc ASD cho thấy sự suy giảm sử dụng cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt và ánh mắt trong các tình huống giao tiếp, bất kể có sử dụng ngôn ngữ hay không [17-19]. Một số nghiên cứu theo dõi mắt đã cho thấy người được chẩn đoán ASD thường nhìn vào mắt người khác ít hơn so với nhóm người bình thường [20]. Trong một nhiệm vụ Hỏi và Đáp, người lớn mắc chứng tự kỷ ít nhìn vào khuôn mặt của người đối diện hơn so với người khác [21]. Những phát hiện này cho thấy những khó khăn trong việc điều chỉnh giao tiếp bằng mắt khiến những người mắc ASD khó theo kịp các tương tác trực tiếp một cách nhanh chóng và tự phát [22].

    >> Xem thêm: Tìm hiểu Khó khăn về ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ

    Ở trẻ em, việc nhạy cảm với hướng nhìn của người khác xuất hiện rất sớm trong sự phát triển bình thường [23]. Ví dụ, trẻ sơ sinh thường có xu hướng nhìn lâu hơn vào các khuôn mặt có ánh mắt trực tiếp so với những khuôn mặt có ánh mắt quay sang hướng khác. Tiếp xúc mắt cũng giúp cải thiện việc xử lý danh tính khuôn mặt và biểu cảm giao tiếp trong nửa năm đầu đời của trẻ. Trong khi đó, phân tích các video xem lại của những trẻ sơ sinh mà sau này được chẩn đoán mắc ASD đã cho thấy các mẫu tiếp xúc mắt bất thường có thể được quan sát trong năm đầu đời, trước cả thời điểm trẻ được chẩn đoán ASD [24].

    Các kết quả nghiên cứu biểu hiện và phản ứng cảm xúc của trẻ em (ví dụ, nụ cười, tiếng cười, cơn giận dữ) có phù hợp về mặt xã hội và ngữ cảnh hay không đã cho thấy trẻ tự kỷ đôi khi biểu hiện cảm xúc không phù hợp, hoặc thiếu hụt trong việc thể hiện cảm xúc tích cực và điều phối ánh mắt [25-27]. Chẳng hạn, trẻ ASD thường không nhìn lên cha mẹ và mỉm cười khi nhận lời khen từ cha mẹ về một thành tựu, trong khi trẻ phát triển bình thường hoặc trẻ chậm phát triển trí tuệ thường có phản ứng như vậy.

    Một nghiên cứu thực nghiệm của Senju, Yaguchi, Tojo và Hasegawa [28], trong đó mười ba trẻ em mắc tự kỷ (độ tuổi trung bình là 12) được so sánh với những trẻ phát triển bình thường trong cùng độ tuổi. Kết quả chỉ ra các trẻ phát triển bình thường có hiệu ứng tiếp xúc mắt, tức là phát hiện ánh mắt trực tiếp tốt hơn ánh mắt quay đi. Ngược lại, mặc dù trẻ em mắc tự kỷ có khả năng phát hiện ánh mắt quay đi tương đương với trẻ phát triển bình thường, nhưng kém hơn trong việc phát hiện những khuôn mặt có ánh mắt trực tiếp, và không thể hiện hiệu ứng tiếp xúc mắt.

    Nguyên nhân

    Dưới góc nhìn sinh lý học thần kinh, sự bất thường trong hoạt động của hạch hạnh nhân ở người tự kỷ được tin là có liên quan đến việc giảm nhìn vào vùng mắt của khuôn mặt [29]. Điều này cũng nhất quán với các nghiên cứu khác cho thấy hạch hạnh nhân có vai trò trong việc điều hướng các chuyển động từ mắt đến mắt trên khuôn mặt [30-31]. Với việc đã có nhiều tài liệu chứng minh rằng cá nhân mắc ASD thường ít dành thời gian nhìn vào mắt trên khuôn mặt [32-33], từ đó giúp giải thích sự giảm hoạt động của hạch hạnh nhân có mối tương quan đến ánh mắt tránh né của người tự kỷ.

    Dưới góc nhìn tâm bệnh học, các triệu chứng tự kỷ điển hình đã gây cản trở cá nhân trong việc suy luận ý nghĩa tâm lý và giao tiếp từ ánh mắt. Ví dụ, trong thực nghiệm của Baron-Cohen và cộng sự [34] đã trình bày hai đồ vật mới cho trẻ em từ 7 đến 12 tuổi mắc ASD cũng như trẻ em phát triển bình thường được ghép theo độ tuổi tâm lý, sau đó yêu cầu trẻ gán nhãn cho một trong những đồ vật này. Trẻ em phát triển bình thường đã liên kết đúng nhãn dán với đồ vật mà người thực hiện thí nghiệm đang nhìn vào, ngay cả khi trẻ đang nhìn vào đồ vật khác khi người thực hiện thí nghiệm phát âm nhãn. Ngược lại, trẻ em tự kỷ có xu hướng áp dụng nhãn vào những đồ vật mà chúng đang chú ý, thay vì đồ vật mà người thực hiện thí nghiệm đang nhìn.

    Các phát hiện khác

    Mặc dù nghiên cứu về hành vi ánh mắt ở người mắc chứng tự kỷ đã xác định được một số kiểu chung, nhưng cũng đưa ra các phát hiện không nhất quán: một số nghiên cứu cho thấy rằng người tự kỷ tránh nhìn vào mắt một cách trực diện như đã nêu ở nội dung trên, trong khi những nghiên cứu khác chỉ ra rằng họ có kiểu ánh mắt điển hình giống đa số mọi người [35-37].

    Người mắc ASD cũng không gặp phải sự suy giảm tổng thể trong việc phát hiện hướng nhìn của người khác, như trong nghiên cứu của Leekam và cộng sự [38] đã chỉ ra trẻ em tự kỷ cũng có khả năng như trẻ phát triển bình thường trong việc nhận biết những khác biệt trong hướng nhìn. Hơn nữa, hầu hết các nghiên cứu cho thấy rằng những người tự kỷ, từ trẻ em 2 tuổi đến người lớn, đều cho thấy hiệu ứng kích thích ánh mắt (gaze cueing effect) khá điển hình [39]. Trong nghiên cứu này, người tham gia được trình bày một bức tranh của một khuôn mặt với ánh mắt hướng sang trái hoặc phải, tiếp theo là một mục tiêu được trình bày ở phía bên trái hoặc bên phải khuôn mặt đó. Những người có ASD, cũng như những người phát triển bình thường, phản ứng nhanh hơn khi khuôn mặt nhìn về phía mục tiêu so với khi khuôn mặt nhìn theo hướng ngược lại. Những nghiên cứu này trái ngược với sự suy giảm trong hành vi theo dõi ánh mắt ở những người có ASD

    Nhìn chung, mặc dù có các ý kiến khác nhau xoay quanh ánh mắt của người mắc rối loạn phổ tự kỷ, nhưng cần phải công nhận là qua nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người có ASD có khả năng tương đối tốt trong việc ghi nhận hướng nhìn của người khác và phản xạ chuyển sự chú ý đến hướng đó. Tuy nhiên, việc xử lý ánh mắt, đặc biệt là ánh mắt nhìn trực tiếp ở những người có ASD có thể không mạnh mẽ hoặc chuyên biệt như ở những người phát triển bình thường. Điều này có thể liên quan đến khó khăn trong việc điều hướng ánh mắt và hiểu cũng như sử dụng ánh mắt của người khác trong bối cảnh tương tác xã hội.

    >> Xem thêm: Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ

                            Khó khăn về ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ

                            Hành vi tự làm đau của trẻ tự kỷ

     

    Tài liệu tham khảo

    1. M. Argyle and M. Cook, Gaze and mutual gaze. 1976.
    2. M. S. Gobel, H. S. Kim, and D. C. Richardson, “The dual function of social gaze,” Cognition, vol. 136, pp. 359–364, Dec. 2014, doi: 10.1016/j.cognition.2014.11.040.
    3. E. F. Risko, D. C. Richardson, and A. Kingstone, “Breaking the fourth wall of cognitive science,” Current Directions in Psychological Science, vol. 25, no. 1, pp. 70–74, Feb. 2016, doi: 10.1177/0963721415617806.
    4. G. Simmel, “Sociology of the senses: visual interaction,” in Introduction to the Science of Sociology, eds R. E. Park and E. W. Burgess (Chicago, IL: University of Chicago Press), pp. 356–361. 1921.
    5. A. Frischen, A. P. Bayliss, and S. P. Tipper, “Gaze cueing of attention: Visual attention, social cognition, and individual differences.,” Psychological Bulletin, vol. 133, no. 4, pp. 694–724, Jun. 2007, doi: 10.1037/0033-2909.133.4.694.
    6. S. Baron-Cohen, S. Wheelwright, and A. T. Jolliffe, “Is There a ‘Language of the Eyes’? Evidence from Normal Adults, and Adults with Autism or Asperger Syndrome,” Visual Cognition, vol. 4, no. 3, pp. 311–331, Sep. 1997, doi: 10.1080/713756761.
    7. G. Kuhn, B. W. Tatler, and G. G. Cole, “You look where I look! Effect of gaze cues on overt and covert attention in misdirection,” Visual Cognition, vol. 17, no. 6–7, pp. 925–944, Jun. 2009, doi: 10.1080/13506280902826775.
    8. S. Ho, T. Foulsham, and A. Kingstone, “Speaking and Listening with the Eyes: Gaze Signaling during Dyadic Interactions,” PLoS ONE, vol. 10, no. 8, p. e0136905, Aug. 2015, doi: 10.1371/journal.pone.0136905.
    9. S. L. Ellyson, J. F. Dovidio, and B. J. Fehr, “Visual behavior and dominance in women and men,” in Springer eBooks, 1981, pp. 63–79. doi: 10.1007/978-1-4612-5953-4_4.
    10. N. J. Emery, “The eyes have it: the neuroethology, function and evolution of social gaze,” Neuroscience & Biobehavioral Reviews, vol. 24, no. 6, pp. 581–604, Aug. 2000, doi: 10.1016/s0149-7634(00)00025-7.
    11. M. Argyle and J. Dean, “Eye-Contact, distance and affiliation,” Sociometry, vol. 28, no. 3, p. 289, Sep. 1965, doi: 10.2307/2786027.
    12. A. L. Georgescu et al., “Neural correlates of ‘social gaze’ processing in high-functioning autism under systematic variation of gaze duration,” NeuroImage Clinical, vol. 3, pp. 340–351, Jan. 2013, doi: 10.1016/j.nicl.2013.08.014.
    13. J. S. Efran and A. Broughton, “Effect of expectancies for social approval on visual behavior.,” Journal of Personality and Social Psychology, vol. 4, no. 1, pp. 103–107, Jan. 1966, doi: 10.1037/h0023511.
    14. J. S. Efran, “Looking for approval: Effects on visual behavior of approbation from persons differing in importance.,” Journal of Personality and Social Psychology, vol. 10, no. 1, pp. 21–25, Jan. 1968, doi: 10.1037/h0026383.
    15. L. Zwaigenbaum, S. Bryson, T. Rogers, W. Roberts, J. Brian, and P. Szatmari, “Behavioral manifestations of autism in the first year of life,” International Journal of Developmental Neuroscience, vol. 23, no. 2–3, pp. 143–152, Jun. 2004, doi: 10.1016/j.ijdevneu.2004.05.001.
    16. American Psychiatric Association. “Diagnostic and statistical manual of mental disorders (4th ed., Text Rev.)”, DSM-IV-TR, Washington, DC: Author. 2000.
    17. R. M. García-Pérez, A. Lee, and R. P. Hobson, “On Intersubjective Engagement in Autism: A Controlled study of Nonverbal Aspects of conversation,” Journal of Autism and Developmental Disorders, vol. 37, no. 7, pp. 1310–1322, Nov. 2006, doi: 10.1007/s10803-006-0276-x.
    18. C. Lord et al., “The autism diagnostic observation schedule-generic: a standard measure of social and communication deficits associated with the spectrum of autism.,” Journal of Autism and Developmental Disorders, vol. 30, no. 3, pp. 205–223, Jan. 2000, doi: 10.1023/a:1005592401947.
    19. K. A. Loveland, S. H. Landry, S. O. Hughes, S. K. Hall, and R. E. McEvoy, “Speech acts and the pragmatic deficits of autism,” Journal of Speech Language and Hearing Research, vol. 31, no. 4, pp. 593–604, Dec. 1988, doi: 10.1044/jshr.3104.593.
    20. A. Senju and M. H. Johnson, “Atypical eye contact in autism: Models, mechanisms and development,” Neuroscience & Biobehavioral Reviews, vol. 33, no. 8, pp. 1204–1214, Jun. 2009, doi: 10.1016/j.neubiorev.2009.06.001.
    21. M. Freeth and P. Bugembe, “Social partner gaze direction and conversational phase; factors affecting social attention during face-to-face conversations in autistic adults?,” Autism, vol. 23, no. 2, pp. 503–513, Feb. 2018, doi: 10.1177/1362361318756786.
    22. D. A. Trevisan, N. Roberts, C. Lin, and E. Birmingham, “How do adults and teens with self-declared Autism Spectrum Disorder experience eye contact? A qualitative analysis of first-hand accounts,” PLoS ONE, vol. 12, no. 11, p. e0188446, Nov. 2017, doi: 10.1371/journal.pone.0188446.
    23. M. H. Johnson, T. Grossmann, and K. C. Kadosh, “Mapping functional brain development: Building a social brain through interactive specialization.,” Developmental Psychology, vol. 45, no. 1, pp. 151–159, Jan. 2009, doi: 10.1037/a0014548.
    24. S. Maestro et al., “How young children treat objects and people: An empirical study of the first year of life in autism,” Child Psychiatry & Human Development, vol. 35, no. 4, pp. 383–396, May 2005, doi: 10.1007/s10578-005-2695-x.
    25. C. Kasari, M. Sigman, P. Mundy, and N. Yirmiya, “Affective sharing in the context of joint attention interactions of normal, autistic, and mentally retarded children,” Journal of Autism and Developmental Disorders, vol. 20, no. 1, pp. 87–100, Mar. 1990, doi: 10.1007/bf02206859.
    26. C. Kasari, M. D. Sigman, P. Baumgartner, and D. J. Stipek, “Pride and Mastery in Children with Autism,” Journal of Child Psychology and Psychiatry, vol. 34, no. 3, pp. 353–362, Mar. 1993, doi: 10.1111/j.1469-7610.1993.tb00997.x.
    27. N. Yirmiya, C. Kasari, M. Sigman, and P. Mundy, “Facial expressions of affect in autistic, mentally retarded and normal children,” Journal of Child Psychology and Psychiatry, vol. 30, no. 5, pp. 725–735, Sep. 1989, doi: 10.1111/j.1469-7610.1989.tb00785.x.
    28. A. Senju, K. Yaguchi,Y. Tojo, T. Hasegawa, “Eye contact does not facilitate detection in children with autism”. Cognition, vol. 89, no. 1, pp. B43–B51, 2003.
    29. K. M. Dalton et al., “Gaze fixation and the neural circuitry of face processing in autism,” Nature Neuroscience, vol. 8, no. 4, pp. 519–526, Mar. 2005, doi: 10.1038/nn1421.
    30. R. Adolphs, F. Gosselin, T. W. Buchanan, D. Tranel, P. Schyns, and A. R. Damasio, “A mechanism for impaired fear recognition after amygdala damage,” Nature, vol. 433, no. 7021, pp. 68–72, Jan. 2005, doi: 10.1038/nature03086.
    31. M. Gamer and C. Buchel, “Amygdala Activation Predicts Gaze toward Fearful Eyes,” Journal of Neuroscience, vol. 29, no. 28, pp. 9123–9126, Jul. 2009, doi: 10.1523/jneurosci.1883-09.2009.
    32. A. Klin, W. Jones, R. Schultz, F. Volkmar, and D. Cohen, “Visual fixation patterns during viewing of naturalistic social situations as predictors of social competence in individuals with autism,” Archives of General Psychiatry, vol. 59, no. 9, p. 809, Sep. 2002, doi: 10.1001/archpsyc.59.9.809.
    33. K. A. Pelphrey, N. J. Sasson, J. S. Reznick, G. Paul, B. D. Goldman, and J. Piven, “Visual scanning of faces in autism.,” Journal of Autism and Developmental Disorders, vol. 32, no. 4, pp. 249–261, Jan. 2002, doi: 10.1023/a:1016374617369.
    34. S. Baron-Cohen, D. A. Baldwin, and M. Crowson, “Do Children with Autism Use the Speaker’s Direction of Gaze Strategy to Crack the Code of Language?,” Child Development, vol. 68, no. 1, p. 48, Feb. 1997, doi: 10.2307/1131924.
    35. T. Falck-Ytter and C. Von Hofsten, “How special is social looking in ASD,” Progress in Brain Research, pp. 209–222, Jan. 2011, doi: 10.1016/b978-0-444-53884-0.00026-9.
    36. M. Chita-Tegmark, “Social attention in ASD: A review and meta-analysis of eye-tracking studies,” Research in Developmental Disabilities, vol. 48, pp. 79–93, Nov. 2015, doi: 10.1016/j.ridd.2015.10.011.
    37. T. W. Frazier et al., “A Meta-Analysis of GAZE differences to social and nonsocial information between individuals with and without autism,” Journal of the American Academy of Child & Adolescent Psychiatry, vol. 56, no. 7, pp. 546–555, May 2017, doi: 10.1016/j.jaac.2017.05.005.
    38. S. Leekam, S. Baron‐Cohen, D. Perrett, M. Milders, and S. Brown, “Eye‐direction detection: A dissociation between geometric and joint attention skills in autism,” British Journal of Developmental Psychology, vol. 15, no. 1, pp. 77–95, Mar. 1997, doi: 10.1111/j.2044-835x.1997.tb00726.x.
    39. K. Nation and S. Penny, “Sensitivity to eye gaze in autism: Is it normal? Is it automatic? Is it social?,” Development and Psychopathology, vol. 20, no. 1, pp. 79–97, Jan. 2008, doi: 10.1017/s0954579408000047.